
Thác Voi với những khối đá có cấu tạo đặc biệt dưới chân thác
Nam Ban thuộc huyện Lâm Hà, cách hồ Xuân Hương khoảng 25km. Qua khỏi thác Cam
Ly, con đường nhựa hướng tới không gian của những nhà kính trồng hoa hai bên
đường, đến ngã ba rẽ trái về Tà Nung (rẽ phải đi Đankia - Suối Vàng) rồi quanh
co giữa màu xanh thiên nhiên, một bên là thung lũng cây rừng, một bên là đồi
thông. Từ một khúc quanh nhô ra trên đèo có thể dừng chân ngắm nhìn từ xa vườn
nho của Daniel Carsol nổi bật trên nền đất đỏ giữa rừng. Nơi đây có khả năng trở
thành điểm đến tương lai của du khách thích tìm hiểu nghề trồng nho làm rượu
vang nếu như đường vào không phải băng suối vượt dốc cao bằng xe jeep.
Cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp còn khá hoang sơ dần nhường chỗ cho những vườn
cà phê và lộ dần các khu dân cư khi cung đường giảm độ cao về hướng Nam Ban .
Một con đường nhỏ rẽ trái dẫn vào cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn mà vừa
mới dừng chân, chúng tôi đã thấy những du khách nước ngoài mỗi người “ôm” một
tài xế thuộc đội Easy Rider căng chặt balô trên xe môtô trờ đến. Anh Cường, chủ
cơ sở Cường Hoàn, cho biết: “Nếu các anh đến đây vào buổi sáng thì có cả trăm du
khách nước ngoài. Ở đây chúng tôi mở cửa cho du khách vào xem, không bán vé cũng
chẳng có người hướng dẫn...”.
Bên trong phân xưởng, các nhóm thợ lớp lấy tơ từ kén tằm, lớp quay tơ, dệt
lụa bằng những chiếc máy cọc cạch, kém xa so với máy móc hiện đại ở vùng dệt tơ
tằm Bảo Lộc. Vợ anh Cường đang cân bao kén thu mua của dân trong vùng với giá
90.000 đồng/kg. Nghề trồng dâu nuôi tằm theo chân các làng nghề từ Bắc đi kinh
tế mới ở Lâm Đồng đầu những năm 1980. Là cơ sở làm nghề này duy nhất ở Nam Ban,
mỗi tháng Cường Hoàn đón khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan. Sản phẩm cuối
cùng của dây chuyền là những tấm lụa sẵn sàng cắt may thành những bộ quần áo
theo yêu cầu của khách, hoặc được sản xuất đại trà dưới dạng cà vạt, khăn
choàng... “Có những sản phẩm bị lỗi lúc dệt nên chúng tôi không muốn bán, vậy mà
khách nước ngoài lại đòi mua vì họ nghĩ như thế mới là tự nhiên” - anh Cường kể.
Anh đang nghĩ đến chuyện đầu tư máy dệt tơ khi thấy du khách nước ngoài quan tâm
nghề này từ gần chục năm nay. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cũng đang mong muốn
phát triển mô hình làng nghề kết hợp du lịch.
Những sản phẩm bán tại chỗ cho du khách không phải là nguồn thu nhập chính
của Cường Hoàn. Du lịch chỉ là sứ giả giúp sản phẩm của cơ sở được biết đến
nhiều hơn.
Khu vực Nam Ban còn vài điểm tham quan khác trên hành trình trong ngày như
thác Voi, trại dế Thiện An. Nếu như tại các trại dế ở Củ Chi (TP.HCM) công việc
nuôi dế đơn giản thì ở xứ lạnh rủi ro hơn và chi phí đầu tư cũng cao hơn. Sau
khi đến Củ Chi học nghề và qua một thời gian thử nghiệm, anh Huy, chủ trại dế
Thiện An, chọn cách lót lá chuối khô trong thùng xốp có đèn sưởi ấm cho dế lúc
về đêm. Bạn có bao giờ nghe tiếng dế gáy trong vườn ở các biệt thự Đà Lạt?
Còn thác Voi, di tích cấp quốc gia, nếu được chăm sóc cẩn thận hơn sẽ là một
địa chỉ du lịch quan trọng của Lâm Đồng. Điểm đặc biệt của thác Voi là những
khối đá dưới chân tháp có cấu tạo không khác mấy so với những khối đá lạ lùng
làm nên thắng cảnh Gành Đá Đĩa nổi tiếng ở Phú Yên. Cách thác Voi vài chục bước
chân là Linh Ẩn tự, một ngôi chùa lớn, kiến trúc khá đẹp được xây dựng chưa lâu,
mà theo nhiều người dân địa phương nhằm “trấn” vùng Nam Ban một thời được coi là
“đất dữ”.
Đà Lạt mùa này rất đẹp. Tối thứ sáu mua vé xe chất lượng cao khởi hành lúc
nửa đêm và đặt chỗ ở trước, bạn đã có được hai ngày nghỉ cuối tuần tận hưởng cái
lạnh tê tay khi đi xe gắn máy (thuê) trong ngày để lang thang khám phá những
điểm đến mới.

Đã có tuyến xe buýt Đà Lạt đi Tà Nung, Nam Ban

Du khách nước ngoài tại cơ sở Cường Hoàng

Chùa Linh Ẩn
Tuoi Tre Online