Những chặng đường mới
Ngày 3-4-1975, Đà Lạt được hoàn toàn giải phóng. Từ một thị xã tỉnh lỵ của Tuyên
Đức, năm 1976, Đà Lạt trở thành đô thị loại 3 và là thành phố tỉnh lỵ của Lâm
Đồng. Năm 1999, thành phố được công nhận đô thị loại 2. 10 năm sau, năm 2009, Đà
Lạt được công nhận đô thị loại 1.
35 năm sau giải phóng, Đà Lạt vẫn tiếp tục khẳng định thương hiệu - Thành phố du
lịch, nghỉ dưỡng và được đầu tư phát triển trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng
kinh tế bình quân hàng năm khoảng 13-14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với
tính chất phát triển của thành phố, trong đó, ngành du lịch - dịch vụ chiếm trên
72%; đời sống người dân không ngừng cải thiện.
Đến nay, cùng với tuyến đường chủ đạo là quốc lộ 20, các tuyến đường bộ từ Đà
Lạt đi các tỉnh, thành phố trong khu vực - Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa,
Đắc Lắc, Đắc Nông đều rất thuận tiện. Đường bay đi TPHCM, Hà Nội hàng ngày chẳng
những rút ngắn khoảng cách về địa lý mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc…
Cuộc sống đô thị phát triển, gam màu hiện đại hiển hiện rõ nét trong cuộc sống
hàng ngày. Ở vùng ven Đà Lạt, nông dân đã làm chủ được ruộng đất, làm chủ khoa
học kỹ thuật. Những vườn rau, làng hoa được mở rộng về quy mô, áp dụng công nghệ
mới. Rau sạch, hoa tươi đã đi khắp cả nước và xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế
giới.

Trưng bày hoa hồng tại Festival hoa Đà Lạt
Hài hòa hiện đại và bản sắc
Sau giải phóng, Đà Lạt tiếp tục được xác định là thành phố du lịch nghỉ dưỡng,
với cơ cấu kinh tế du lịch, dịch vụ - nông lâm - công nghiệp, trong đó, đặc biệt
chú trọng du lịch - dịch vụ. Các quy hoạch vẫn được định hướng cho một thành phố
du lịch sinh thái.
Về lâu dài, Đà Lạt sẽ là một trong những trung tâm du lịch, đặc biệt là du lịch
tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của cả vùng, cả nước và
quốc tế; một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa
học lớn của cả nước; khu vực sản xuất, chế biến rau, hoa chất lượng cao, phục vụ
cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trên con đường phát triển, hiện
đại hóa, vấn đề giữ gìn môi trường thiên nhiên cần được sự quan tâm của cả cộng
đồng.
Nói về vấn đề này, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt trăn trở: Thời
gian qua, công tác quy hoạch chi tiết về du lịch Đà Lạt chưa theo kịp yêu cầu
phát triển, còn nặng về khai thác, chưa chú ý gìn giữ, tôn tạo cảnh quan thiên
nhiên, do đó, một số điểm du lịch đã xuống cấp. Ông Việt cho biết, để đi tới
đích đô thị du lịch (chất lượng cao), Đà Lạt phải nỗ lực bảo vệ môi trường, cảnh
quan, kiến trúc, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa hiện đại và bản sắc.