Những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố này. Đây cũng
là nơi giúp người ta lưu giữ ký ức của tâm hồn.

Quán cà phê ven đường
Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc khiêm nhường trong
quán cà phê Tùng để ngắm phố mưa qua. Tùng nổi tiếng bởi địa chỉ này xuất hiện
trong hầu hết sách hướng dẫn của các hãng lữ hành và còn bởi nó tồn tại trong
một không gian đã đi qua thời gian. Quán cà phê nhỏ không mấy nổi bật ấy từ lâu
đã trở thành một góc hồi niệm quá vãng và hơn nữa, là chốn tưởng niệm cho những
kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại. Thật lâu rồi tôi mới có lại cái cảm
giác thư thái như thế. Được ngồi lặng lẽ giữa những ẩm khách lặng lẽ. Nhạc, vẫn
những giai điệu của người nghệ sĩ rong rêu ấy, thong thả những thanh âm cầu hồn
theo tiếng tí tách. Cà phê kết tinh qua phin. Những tà áo dài lướt qua cửa kính
như những cánh lay-ơn run rẩy trong màn mưa thoang thoảng leo dốc…
Thời gian ngai ngái ủ vàng trên những mép viền khung cửa, những ranh gỗ của
bàn và ghế. Thời gian lê bước chân chậm chạp đi qua và đọng mờ những vết bụi của
mình lên những bức tranh tường mà chủ nhân đã tôn trọng lưu giữ như những dấu ấn
không dễ xoá nhòa. Tôi có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm
sự hay ít ra là hoài niệm về một miền ký ức đã xa. Họ run rẩy đón nhận và sợ
chạm vào thực tại sẽ xoá mất cái cảm giác như là chút vốn quý hiếm hoi trong
phút cuối ngày. Trong một góc khuất, đôi ghế nan tre còn đó, thời gian đánh bóng
lên từng vân tre của ngày xưa một màu vàng như nhũ. Ngày xưa chưa thật đã xưa,
người hát rong đi qua cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh và nữ tri âm của mình đã có
những buổi chiều lãng đãng khói sương nơi đây trên đường dài du ca và luân lạc.
Trong không gian thoắt ẩn thoắt hiện, nửa thực nửa hư đâu đây là những di âm của
cung la thứ mở đầu cho những bản tình ca đồng hành với thời gian. Giờ đây, nàng
đã cách hơn nửa vòng trái đất, chàng còn xa hơn, nhưng đôi ghế nan tre lên bóng
kia như nấn ná đợi chờ một hội ngộ tương phùng trong tưởng tượng. Không biết
người ra đi có còn hồi niệm? Còn tôi và những ẩm khách chiều nay dường như đang
hoài niệm về họ trong dư âm của những giai điệu với xúc cảm tốt lành…

Cà phê phin đợi chờ
Người ta nói, cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh
mẽ, bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cà phê là gạch nối
giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một
bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn những kẻ môn đồ của giáo phái cà phê thì cho nó
là người đàn bà mang bùa ngải trong mình…
Từng có một quán cà phê bên hồ Xuân Hương mang cái tên nhẹ bồng bềnh bằng
tiếng Pháp: Danube Bleu. Dòng sông xanh ấy gắn bó với tôi và bạn bè từ những
ngày đầu đặt chân lên xứ sương mù. Có một đêm như mọi đêm, bản sonate "Ánh
trăng” của Beethoven lung linh và thánh thiện đến thế. Những ánh đèn đường ngả
bóng xuống mặt hồ như chùm ly pha lê sóng sánh rực rỡ. Chúng tôi vỡ oà cảm xúc
và liên tưởng đến cái bi kịch thần thánh trong bức tranh “Bữa tiệc ly” của danh
họa Leonar De Vinci. Đó là đêm cuối cùng, ngày mai bạn tôi rời thành phố cao
nguyên đi xa. Đèn trong quán tắt dần. Bữa tiệc với những vũ điệu ánh sáng trên
hồ cũng nhạt. Bản sonate chỉ còn du dương những thanh âm cuối cùng, nấn ná luyến
lưu cho một cuộc chia tay chưa hẹn ngày tái ngộ. Và nhiều đêm như thế, tôi và
người đã ở trọ trong tâm hồn nhau. Cùng “dòng sông xanh” ngửa mặt trông đồi Cù
sẫm bóng và lan man những điều gì không còn nhớ nữa. Gặp lại nhau, người hỏi,
tôi ngậm ngùi: “Danube Bleu đóng cửa lâu rồi”. Lại có thêm xúc cảm “khắc dấu tìm
gươm”. Cà phê đâu còn là cà phê!…Tâm hồn đã quyện vào nhau trong những giọt tí
ta tí tách thõng như sương ấy. Không gian ấy ta luôn lưu giữ và gợi lại những
thổn thức hoài niệm về một thời đã qua.

Một quán cà phê Đà Lạt
Ở những đô thị khác, muốn có một không gian uyển chuyển tự nhiên như Đà Lạt
thật khó. Người dịu tính coi đây như nơi trú chân lý tưởng. Khách giang hồ coi
đây là chốn thỏa chí tang bồng. Trong cái se lạnh của heo may cao nguyên, lượn
theo những con đường lúc ẩn lúc hiện, những quán cà phê giữa lưng chừng dốc như
những quán Ba Cá Bống trong cổ tích về cậu bé Buratino ở đất nước Tí Hon. Nào
Bích Đào, Dương Cầm, Nam Giao, Nghệ Sĩ…; nào Guitare, Valentine, Memory…; nào
57, 60, 72, 81…
May mắn thay, chỉ với một cà phê Lâm (Hà Nội) đã tạo không gian cảm xúc cho
sự ra đời những tuyệt phẩm văn chương của Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính; những bản
tình ca đi cùng năm tháng của Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Văn Cao;
những họa phẩm lưu mãi với thời gian của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái hay Nguyễn
Phan Chánh…
Kẻ tục lụy vạn sinh là tôi chưa phải là người sành thứ thức uống đầy thi vị
này, cũng không dám lạm ngôn về những thú tao nhã tạo nên hưng phấn sáng tạo của
các bậc tao nhân mặc khách. Chỉ biết rằng, chiều nay trong góc quán khiêm nhường
ngắm phố mưa qua chợt nao lòng về những ngày quá vãng, những ngày không trở lại
thêm một lần nào nữa trong đời…