Và ...
...Chủ nhật mong đợi đã tới, nắng ban mai Đà Lạt hôm đó bỗng dưng đẹp lạ kì,
dường như nó hòa cùng với niềm vui của đoàn chúng tôi. Tạm xa thành phố một
ngày...Không biết có ai giống tôi không nhưng chắc chắn một điều ai cũng hào
hứng rộn ràng cho chuyến hành trình về đất Nam Ban.

Quanh co đường đèo Tà Nung
Nam Ban là một thị trấn nhỏ của huyện Lâm Hà - một trong những vùng
trồng cà phê nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Mảnh đất Nam Ban là nơi hội tụ cư dân
khắp mọi miền tổ quốc nhưng chủ yếu là người Miền Bắc, có lẽ cái chất chịu khó
chịu thương mà qua bao vất vả của những tháng năm làm kinh tế mới đã mang lại
cuộc sống ấm no và sung túc đến với họ. Ở nơi mà con người ta hòa cùng thiên
nhiên, núi đồi cà phê bạt ngàn với tiếng ào ào của những con thác, vừa mạnh mẽ
vừa yên bình. Có lẽ ai cũng phải công nhận một điều " đất lành chim đậu"
quả không sai! phần lớn được cấu tạo đất Feralit phát triển trên nền đất đỏ
Bazan, đất đai màu mỡ phù hợp với sự phát triển của các cây công nghiệp dài ngày
như Cà phê,chè và dâu tằm…, cũng như các loại cây ngắn ngày khác. Nam Ban là một
trong hai khu vực kinh tế chính của Lâm Hà và là cửa ngõ phía Tây Nam TP. Đà
Lạt. Thị trấn có suối Cam Ly bắt nguồn từ Đà Lạt chảy quanh và nhiều suối nhỏ
khá, nước suối chảy quanh năm tạo nên Thác Voi - Thắng cảnh du lịch hấp dẫn.
Thác voi cách Ðà Lạt 24km về phía Tây Nam. Ðây là một thăng cảnh độc đáo của
tỉnh Lâm Ðồng được du khách biết đến trong những năm 90. Tuy xa, nhưng những du
khách yêu thiên nhiên dù chỉ một lần đến đây khi ra về khó mà quên được vẻ đẹp
hùng vĩ của thác nước này.

Đoàn chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ!
Thác Voi – cái tên không biết có từ bao giờ và do ai đặt. Theo truyền thuyết của
đồng bào K’Ho kể rằng: Ngày xưa thú rừng rất yêu mến nàng Bian con của tù trưởng
bộ tộc Chil. Khi hay tin nàng sắp “bắt chồng” là chàng Lang– một tù trưởng của
bộ tộc Lạt, voi rừng vùng La ngư Thượng mừng lắm, chúng kéo về dự đám cưới.
Nhưng khi đến ngọn thác này thì nhận được tin hai người đã chết vì sự thù hận
của bộ tộc. Cả đàn voi rừng gào thét suốt mấy ngày đêm rồi lăn ra chết và hoá
đá. Thương xót chúng, thần núi Langbiang khóc hết ngày này sang ngày khác, nước
mắt chảy thành suối tắm mát, vỗ về cho đàn voi suốt đời. Chuyện xưa là vây, song
khi đặt chân đến thác Voi, du khách không khỏi bâng khuâng khi về với khung cảnh
hoang dã và hùng vĩ này.

Thác nước ào ào tuôn chảy
Thác Voi quả là bức tranh sinh động mà thiên nhiên đã khắc họa nên. Vào những
ngày nắng đẹp, qua làn sương khói mờ mịt bốc lên lấp lánh 7 sắc cầu vồng, ta có
cảm giác một đàn voi đang tắm dưới chân thác. Tiếng của gió ngàn hoà với tiếng
thác đổ, khiến cho ta liên tưởng đến tiếng gầm thét của chúng.
Và chúng tôi cũng vậy! Lần đầu tiên đến với Thác Voi, bọt nước tung trắng xóa
tuôn đổ xuống như muốn cuốn đi tất cả. Đoàn chúng tôi tranh thủ ghi lại những
cảnh đẹp hiếm có sau đó mỗi nhóm tách ra tự do khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của con
thác này. Nhóm chúng tôi gồm sáu người và một thành viên nhí cũng không chịu
thua kém ai, cậu bé được anh chàng khỏe nhất cõng và hứng thú đến mức đòi tự
mình leo qua những bậc đá cheo leo hiểm trở để xuống chân thác. Một cơn mưa
chiều hôm trước khiến cho những bậc đá càng trở nên trơn hơn mọi khi nhưng cũng
làm cho cây cối được gội rửa và xanh tươi tràn đầy sức sống. Leo qua những ghềnh
đá và điều khiến tôi thích thú là khi chui qua một cái hang dài chừng 8m từ dưới
nhìn lên thực ra là hai tảng đá lớn chạm vào nhau tạo ra khoảng giữa, Và thiên
nhiên thật diệu kì khi thiết kế ra một chiếc cầu nhỏ làm bằng rễ cây từ trên
xuống rồi lại bắt ngang qua cửa hang và có thể bước đi trên đó mà không sợ đám
bùn ở dưới! Thật tuyệt vời, tôi chưa bao giờ tậm mắt nhìn thấy những rễ cây lớn
như vậy!

Cảm giác tuyệt vời dưới chân thác
Xuống tới chân thác Voi gió thổi mạnh hơn cộng với sức nước tạo ra một luồng
khí ngược vào trong hang khiến cho nhóm chúng tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng ra phía
ngoài nơi những đợt nước đổ xuống để cho cả người được gió tung bay và nước hắt
vào mặt giống như gặp một cơn bão mạnh giữa biển khơi. Tôi cũng hào hứng với cái
ý tưởng đó nhưng ôi thôi không thể chịu được lâu, dường như ngộp thở khi tận
hưởng chúng. Không thể nói gì ngoài hai từ " tuyệt vời!". Nói đến chuyện trải
nghiệm cảm giác, cậu bé Tộp khóc lóc khi bố mẹ cậu không cho ra đứng dưới chân
thác, tôi phải nói điều này để chứng tỏ sự lôi cuốn của con thác này với tất cả
mọi người và càng khiến cho cái tính hiếu động của cậu bé tăng lên khi thấy
người lớn được tự do vui đùa.

Cậu bé Tộp cũng say sưa với cảnh
Như đã nói ở trên, chúng tôi chia thành nhiều tốp khác nhau thám hiểm thác
Voi, một nhóm khác vì muốn tận mắt ngắm những chú voi hóa đá trong truyền thuyết
mà xuống tận nơi để được tận tay sờ trên lưng chúng, quả là kì lạ! Nơi đây khiến
cho con người ta có điều gì thích thú và có những điều cũng trở thành bí ẩn
mà không ai giải thích được. Có lẽ đây chính là lí do mà Thác Voi muôn đời vẫn
còn giữ nguyên vẻ đẹp như hôm nay!...
Nếu như thác Voi hùng vĩ bao nhiêu thì bên cạnh nó - Linh Ẩn tự dường như lại
bình yên đến lạ!. Linh Ẩn tự - thiền viện Trúc Lâm thứ hai của Đà Lạt. Nếu nhìn
từ tỉnh lộ 725, thấp thoáng dưới rừng thông, Linh Ẩn tự hiện lên như đầu một con
rồng phun nước. Nằm trên độ cao 1.080m, ở thế “tọa sơn ngọa thủy”, sau chùa có
đồi thông xanh ngút ngàn, trước mặt có thác Voi ào ào tuôn chảy quanh năm nên
không khí ở chùa luôn luôn mát mẻ, yên tĩnh. Du khách đến với Linh Ẩn tự ai cũng
trầm trồ khen ngợi vị sư trụ trì, thượng tọa Thích Tâm Vị - ngài có con mắt
tinh tế đã chọn địa thế để xây dựng ngôi chùa cho bà con đi xây dựng kinh tế
mới ở Lâm Hà . Nằm ở chốn “thâm sơn cùng cốc” nhưng kiến trúc Linh Ẩn tự vẫn
toát lên vẻ hiện đại và thân thiện với thiên nhiên. Toàn bộ diện tích đất hơn 4
ha của chùa được phủ xanh với những loại cây rừng như gió, sộp, si, bằng lăng…
Nơi hoành tráng nhất của chùa là Tòa chánh điện (khởi công năm 1999), rộng trên
1.400m2, lợp ngói đỏ. Phía tiền điện, hai bên bậc cấp dẫn lên chánh điện nội là
hai con rồng tinh xảo đắp bằng xi măng dài 20 mét. Còn sau những nhành hoa bằng
lăng tím nở trái mùa, trên nền trời trong xanh, tượng Di Lặc sừng sững hiện ra,
tượng cao 12,5m, rộng 6,5m, ngang 9m (chiếm trên 630m3 không gian). Bên trái
vườn dựng tượng Thích Ca thành đạo, vườn Lâm Tỳ Ni...Viếng cảnh chùa thấy lòng
thư thái nhẹ tênh, dường như bao nhiêu lo toan của cuộc sống cùng với sự mỏi mệt
chợt tan biến. Chỉ còn lại trong tâm thức chúng tôi những tiếng kinh cầu...

Chùa Linh Ẩn bình yên giữa núi đồi
Một ngày trôi qua thật nhanh khiến chúng tôi ai cũng muốn nán lại thêm nữa để
được tận hưởng không khí yên bình về đêm nhưng có lẽ điều đó sẽ thực hiện được
vì chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại thăm Nam Ban nhiều lần nữa!!!