Người Đà Lạt thường nhìn cuộc sống quanh mình bằng tâm trạng,
bằng cảm xúc tinh tế nên dễ làm những con người náo nhiệt của những nơi khác đến
dễ bề bối rối. Cafe nơi này cũng vậy, không gian quán, mùi vị cà phê, phong thái
khách vào thưởng lãm quyện lẫn vào nhau, điểm xuyến cho phong cảnh, khí hậu cho
phong cách sống được coi là khác biệt nhất Một cà phê Tùng từng được ví "chưa
đặt chân đến đây, chưa đi hết Đà Lạt", nay là điểm "ngồi đồng" của MPK một tay
chuyên săn ảnh Đà Lạt mà dân xứ này từ người già đến trẻ con đều biết, đều gọi
bằng cái tên: Phước khùng. Một quán cà phê nhỏ chẳng có chút nổi bật nhưng có lẽ
nhắc đến Đà Lạt không ai không một lần nghe đến. Nơi cất giữ những hồi niệm quá
vãng,chốn tưởng niệm của những kẻ thích mân mê quá khứ. Ngoài kia thời gian vẫn
ào ạt lướt qua ô cửa, bên trong quán thời gian vẫn ung dung chầm chậm tưởng
chừng như có thể dừng lại. Nơi đây từng là nơi quen thuộc của gã hát rong họ
Trịnh và nữ tri âm của mình. Nơi vị tình lên men - một chất men đăng đắng,đen
quyện,một chất men không làm người ta say nhưng làm người ta nghiện ngập.

Một Cung Tơ Chiều mộc mạc
Một Cung Tơ Chiều, cá tính mộc mạc kiên định trước những xô
bồ hiện đại. Một quán nhỏ nằm nép bên mép đường lên dinh Bảo Đại,tấm biển chỉ là
một khúc gỗ nhỏ gắn trên thân cây thông.Quán không dành cho những ai muốn tìm
nơi tâm sự. Không gian nơi đây trầm lặng và thư thái như một thánh đường,nơi đây
không có chỗ cho những tiện nghi không dây. Biển hiệu thì nhỏ nhưng bảng với
dòng chữ "yêu cầu quý khách tắt chuông điện thọai và nói tiếng nhỏ hơn tiếng
nhac" thì lại lớn và dễ dàng đạp vào mắt khách khi đến đây. Quan điểm rất rõ
ràng và cô chủ cũng không ngần ngại "tiễn" thẳng ra khỏi quán với những ai cười
nói ầm ĩ hay những người sở hữu những kiểu chuông điện thoại réo rắt khi vào
quán. Không hiểu sao, tôi lại liên tưởng chiếc bảng nhỏ này với cái cau mày rất
khẽ của người Đà Lạt trước những gì làm xao động sự tao nhã, thanh lịch ăn sâu
trong bản tính của người Đà Lạt, Cũng dễ hiểu thôi,nơi đây không nhằm kinh doanh
câu khách. Quán như một góc tâm hồn chính chủ là nơi gặp gỡ của những tâm hồn
đồng điệu.Cô chủ không hát nhiều,chỉ vài bài nhạc Trịnh với giọng "nổi loạn" .
Không micro, không loa, chỉ mình cô với cây đàn,dường như cô hát không chỉ cho
những người ngồi trước mặt mà ca từ cứ vang lên như lời tự sự. "Ngàn năm thương
hòai một bóng hình ai...". Đêm nào cũng vậy,cô chỉ hát vài bài rồi bỏ đi,để lại
trong lòng khách một sự nuối tiếc.
Nằm lưng chừng con dốc ngay trung tâm thành phố,một sâu chuỗi
quán cafe với lối trang trí đồng điệu nhưng không hoà lẫn,riêng biệt nhưng không
tách biệt.Một không gian uyển chuyển không phải nơi đâu cũng có. Đặt chân đến
đây,khách giang hồ thì cảm thấy tâm hồn được tự do,khoáng đãng.Người nóng tính
nhất cũng cảm phải dịu lại và thư thái hơn trước nét đẹp hiền hoà của cảnh
vật,con người nơi đây.
Một Song Vy ngự trong ngôi biệt thự mới xây rất hiện đại, rất
tây được báo chí nhiều lần nhắc đến bởi kiến trúc nhuần nhuyễn giữa cổ và kim
trong thành phố có cảnh quan cực kỳ kén chọn này, rồi những Hoa Viên, Guitar...
chỉ dành riêng cho những đôi tình nhân... Và ngay trong lòng phố cà phê nhìn
xuống chợ Đà Lạt, lẫn lộn khách tây tàu, trộn lẫn khách già trẻ... vẫn có một
nghệ sĩ làm chốn dừng chân cho một người đàn ông cô độc đang cần sự tĩnh tâm,
cho một gia đình du khách giàu có, trí thức lặng lẽ cùng nhau ngắm trong tâm
thành phố về đêm...
Nếu ai đó đến Đà Lạt mà không lê la cafe bản địa, nghe lỏm
chuyện Đông tây của các vị đàn ông nhàn rỗi ngồi say sưa với nhau quên thời
gian... ấy là bạn đã mất một cơ hội hòa vào cái không khí lảng bảng, yên bình
thực sự của Đà Lạt, nơi cái lạnh chỉ vừa đủ làm cốc cafe nóng không bỏng rát
trên môi...