Từ ngày bước chân ra nước ngoài, mỗi lần trộn dĩa rau xà lách
hay sửa soạn rau ăn kèm với bún, với thịt, tôi luôn ngùi ngùi nhớ đến những cây
rau Đà Lạt. Không những chỉ nhớ thôi, mà còn thèm nữa, thèm lắm lận đó. Tôi lớn
lên từ Đà Lạt, lớn lên giữa những hàng cây dâm bụt, dưới những rặng thông. Mùi
phấn thông, mùi ngọc lan, mùi hoa sói vẫn còn hoài trong luống phổi nên mỗi lần
thở, cái không khí Đà Lạt như vẫn còn vương vương đâu đó. Và mỗi lần ăn một món
gì lại thấy nhơ nhớ những hương vị xa xưa.

Những hương vị khó quên của món ăn Đà Lạt
Mà thật, có những thứ không thể thay được cái thương hiệu Đà
Lạt thưở nào, đối với ngay cả những người không lớn lên từ Đà Lạt. Một số rau
quả của Đà Lạt có những mùi vị không thể tìm thấy ở Mỹ, Canada, ở Úc và ngay cả
ở các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.
Đặc biệt hơn cả là những cây rau xà lách cứng (cô-ron?). Chắc
nhiều người trong chúng ta đã có dịp thưởng thức đĩa rau cô-ron trộn của Đà Lạt.
Một dĩa rau cô-ron trộn với chút hành tây, cà chua đủ làm bữa ăn thêm ngon
miệng. Cái rau cô-ron Đà Lạt thật lạ, những cọng rau trắng ngần, dày cụi, dòn
tan với những cánh lá xanh mát như sương sa. Dĩa rau xà lách trộn của Đà Lạt
hình như có mặt trong tất cả các tiệm ăn lớn trong nước, ăn một lần dễ gì quên
và sẽ khiến người ta mang cảm giác thiêu thiếu nếu không có món này trong các
bữa ăn ê hề thịt cá.
Những dĩa rau ăn kèm với bún bò, mì quảng ở Đà Lạt luôn có
món rau này, thái thật nhỏ lăn tăn nhưng cái vị dòn, vị ngọt vẫn còn nguyên vẹn
và làm hương vị các món này của Đà Lạt không cách chi thay thế.
Bên cạnh những cây xà lách cứng đó, phải nhắc đến những cây
xà lách búp Đà Lạt. Cây nào cây nấy tròn xoay, chắc nịch và nặng trĩu, những lá
rau quấn quít lấy nhau. Những chiếc lá bên ngoài hơi xanh đậm một chút nhưng
những chiếc lá bên trong mang màu vàng anh nõn nà thanh thoát, chưa ăn đã cảm
nhận được vị ngọt ngào. Bàn ăn với món bún chả, phở áp chảo luôn rực rỡ và hấp
dẫn khi có những dĩa rau xà lách búp xếp tròn tươi mát, trên là những cọng mùi,
tía tô, canh giới, húng cây bên cạnh chén nước mắm chanh ớt tỏi thơm lừng.
Chén nước mắm pha ở Đà Lạt cũng có hương vị nổi bật nhờ cái
vị chanh cốm và ớt hiểm của Đà Lạt rất thơm và rất đậm đà làm tăng thêm hương vị
của các món ăn lên nhiều.
Chanh cốm, loại chanh chắc chỉ có ở Đà Lạt. Vỏ xanh và dày,
sần sùi hơn những quả lime bên Úc và Mỹ, không mềm mại và nhẵn như loại chanh
giấy của miền Tây hay Sài Gòn. Lượng nước chanh không nhiều hơn, nhưng mùi thơm
thì khỏi nói, cái hương chanh thơm lừng, cắt ra ngan ngát cả gian phòng hay còn
làm mát lòng, mát cổ hơn khi đi đâu về, cầm ly đá chanh thơm dịu. Những cọng lá
của cây chanh cốm thái thật mịn cũng làm tăng thêm mùi vị của những dĩa gà luộc
vàng ngậy, thơm nức mà chỉ gà nuôi ở Việt Nam mới có.
Những trái ớt chỉ thiên thon nhọn, nhuốm màu nâu đen hoặc
xanh hoặc đỏ được dầm nhỏ, chỉ bỏ vào một chút thôi cũng mang vị cay xé lưỡi. Và
như vậy, các mùi thơm ngào ngạt và thấm thía của rau củ Đà Lạt, của ớt, của
chanh, quyện lấy nhau làm các món ăn ngon hơn nhiều lắm.
Những cây bắp sú hột, những quả đậu couvert xanh ngắt cũng
ngọt như có đuờng, cái vị ngọt thanh mà chỉ rau Đà Lạt mới có. Dù rau có đem
sang tỉnh khác cả mấy ngày vẫn còn vương vấn vị ngọt mà không bị lạt đi, nhất là
bắp sú, hình như càng để lâu càng ngọt, không ngai ngái như các loại bắp sú
khác, khi thái nhỏ để ăn ghém lại không mang chút mùi tanh.

Những nông sản mang thương hiệu Đà Lạt
Cái ngon của khoai tây Đà Lạt cũng hiếm thấy. Khoai tây ở các
nơi khác có thể to củ hơn, nhưng không vàng ruộm và nhiều bột, bùi bùi như khoai
tây Đà Lạt.
Đặc biệt nhất là những quả su su, không đâu có thể ngọt bằng.
Ngày xưa mỗi lần lên Đà Lạt từ ngả Nha Trang, gần đến Đơn Dương đã thấy những
giàn su su xanh ngắt trải dài trên những sườn đồi, quanh những căn nhà nhỏ xinh
xắn hay lụp xụp.
Bao nhiêu năm tôi vẫn không thể quên cái vị su su mới hái.
Những miếng su cắt lớn đem luộc, nước luộc trong veo mang một màu xanh nhè nhẹ
và ngọt ơi là ngọt. Trời lạnh ngắt, chỉ cần chấm miếng su luộc nóng hổi với tí
nước kho, nước mắm ớt hay xì dầu cũng ngon chi lạ. Su luộc ăn không cũng vẫn
ngon, không cần muối, không cần nước chấm cũng đủ vị đậm đà, vừa bùi, vừa ngọt.