Ở Sài Gòn mùa này người ta đi tìm nơi tránh nắng hoặc tranh thủ ngày nghỉ đi
du lịch Đà Lạt thì riêng tôi lại "trốn" Đà Lạt, nhất là vào những ngày mưa gió.
Cứ mỗi lần áp thấp nhiệt đới hoặc có tin bão xa là y như rằng thời tiết Đà Lạt
sụt sùi - mưa dai dẳng cả ngày lẫn đêm, không chỉ vài ngày, mà mưa suốt tuần và
có khi kéo dài đến nửa tháng.Khác hẳn với Sài Gòn trông mưa để trời dịu mát, tôi
rất sợ những cơn mưa không ngớt trên Đà Lạt, mưa xong thời tiết trở lạnh, những
lúc như thế nỗi buồn xa Sài Gòn lại chợt đến.

Một Đà Lạt tuyệt vời
Nhanh thật, mới đây mà đã gần ba năm tôi nhận nhiệm sở ở thành phố du lịch
cao nguyên này, tôi tự thích nghi dần với môi trường mới nhưng hòa nhập thì thật
khó, bởi lẽ Sài Gòn và Đà Lạt đối nghịch nhau về thời tiết, khí hậu, nếp sống,
cả phong cách sinh hoạt…. Dẫu có ở Đà Lạt lâu hơn nhưng tôi quả quyết với bạn bè
rằng cái “chất” Sài Gòn khó mà thay đổi vì nó đã gắn chặt tình cảm riêng tư từ
bao nhiêu năm rồi. Thanh Hoài, một người bạn công tác ở UBND tỉnh Lâm Đồng từng
trách tôi “Anh chẳng biết gì Đà Lạt hết. Tôi sẽ đưa anh đi một số nơi để anh có
cảm nhận sâu sắc hơn về thành phố này”. Sau đó Hoài đã dành một ngày nghỉ chở
tôi đi thưởng thức văn nghệ “cây nhà, lá vườn” mà theo Hoài là hết ý. Đã bao
nhiêu lần qua lại quán cà phê Văn nghệ trên đường Yersin, nhưng thú thật tôi
chưa hề bước chân vào quán, đơn giản tôi thường đi một mình, chẳng bao giờ nhấm
nháp một ly cà phê đen. Lần này, Hoài cố chứng minh cho “sự thiếu sót về tâm
hồn” mà lâu nay tôi chỉ suốt ngày ru rú ở nhà một mình.
Trên một nhà sàn trang trí đơn giản nhưng giàu chất văn nghệ theo đúng nghĩa
tên quán, bàn, ghế tất cả được làm bằng những thân cây tận dụng và được chế tác
gây ấn tượng, giữa quán là sự kết hợp giữa kim và cổ bởi các nhạc cụ, hệ thống
âm thanh mà ca sĩ nghiệp dư và khách vãng lai hứng chí có thể lên cầm micro biểu
diễn cho vui. Hoài đã cao hứng lên hát một lúc ba bài và rủ tôi nhập cuộc. Thật
tình lúc đó một số khách có mặt trong quán nhiệt tình vỗ tay cổ vũ nên tôi chẳng
thể từ chối. Đâu đã hết, cậu ta quyết không tha tôi về cái tội “chê Đà Lạt” cho
nên dù ngồi từ trưa đến chiều tối tìm đủ mọi lý do để về nghỉ nhưng Hoài vẫn
khăng khăng giữ lại và kéo tôi đi tiếp quán Yesterday trên đường Hai Bà Trưng để
làm “ca sĩ nghiệp dư”. Chất giọng ngọt ngào, luyến láy theo từng nốt nhạc của
Hoài chẳng kém gì ca sĩ thứ thiệt và cả lúc cậu ta xung phong làm MC ngay trong
quán tôi mới phát hiện cái duyên ngầm mà ngày thường với công việc chuyên viên
văn - xã của UBND tỉnh Lâm Đồng Thanh Hoài chưa trổ tài hết.

Hoa nở rộ trên những con đường
Mùa này, hoa mimosa đã nở vàng trên khắp đường phố cùng những chiếc lá trông
như màu bạc nhỏ nhắn, dễ thương. Vẻ đẹp của mimosa thật thanh khiết và không hề
kiêu sa, không sặc sỡ khiến tôi càng yêu thích sắc màu của mimosa. Những chùm
hoa màu vàng nhỏ xíu xiu nhưng không dễ rụng mặc cho những cơn mưa ào ạt và cả
gió lớn thổi về. Mỗi lần đưa bạn bè thành phố lên chơi tôi thường giới thiệu về
mimosa với một tình cảm riêng thích thú và luôn mời bạn bè chụp ảnh bên cây
mimosa.
Bên cạnh rừng thông xanh đặc trưng của thành phố du lịch Đà Lạt thì hình ảnh
của hoa mimosa tạo nét quyến rũ trong lòng nhiều du khách. Con đường mới dọc
theo đèo Prenn đặt tên Mimosa, chính vì thế mà thành phố đã cho trồng thật
nhiều, có đến hàng ngàn cây mimosa trên suốt chiều dài gần 10km, độ vài năm nữa
thôi những hàng cây mimosa lớn lên góp phần tô điểm cho con đường thi vị này.
Một dịp tôi tự lái xe ôtô vào khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng, băng băng trên
con đường trải nhựa phẳng phiu và có những khúc quanh chẳng thua gì đèo Ngọan
Mục, tôi đã dừng lại làng hoa Vạn Thành một địa chỉ quen thuộc của những người
trồng hoa Đà Lạt, đó là những trang trại hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa cúc… chen
nhau mọc lên trong những căn nhà lồng kính. Hoa Đà Lạt tự lâu rồi luôn hấp dẫn
du khách và ở đây mọi người có thể lội vào các nhà lồng kính không chỉ để ngắm
hoa mà còn chọn mua với giá thật rẻ.
Từ trung tâm Đà Lạt đi suốt 12 cây số vào tuyến du lịch Đan Kia - Suối Vàng
du khách có thể nhìn xuống thung lũng và bao quát không gian rộng lớn cảm thấy
thích thú bởi cảnh quan thiên nhiên và môi trường hết sức lý tưởng mà ít nơi nào
trong nước có được. Tương lai, khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng sẽ được đầu tư
xây dựng hiện đại, sang trọng, là Đà Lạt 2 - nơi mà cách đây trên 110 năm bác sĩ
Yersin đã từng có ý tưởng phát triển khu vực này thành trung tâm TP Đà Lạt. Đập
nước Ankroet vào mùa mưa trông thật đẹp vì nước đầy ắp chảy xuống bờ tràn, dòng
nước trắng xóa cuồn cuộn len lõi qua nhiều phiến đá đá lớn nhỏ chảy tiếp về phía
thung lũng. Núi đồi, rừng thông, dòng thác một cảnh trí thiên nhiên thật sống
động khiến cho lòng người ngất ngây. Quanh hồ Suối Vàng rừng thông xanh vươn cao
rì rào trước gió tạo nên một cảm giác dễ chịu, thanh thản, cảm thấy yêu thương
cuộc đời và mọi bon chen trong cuộc sống thường nhật dường như tan biến theo
dòng nước êm đềm.
Sống ở Đà Lạt ngần ấy thời gian nhưng tôi chưa hề leo lên đỉnh cao của ngọn
núi huyền thoại về mối tình chàng Lang và nàng Biang. Tour dã ngoại này lần đầu
tôi cùng một người bạn rất thân tìm đến, được quan sát Đà Lạt từ trên cao, nghe
kể về sự tích của núi LangBiang, về Đà Lạt xa xưa, về những tộc người đầu tiên
và Đà Lạt hôm nay. Khác biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt, sôi động của Sài Gòn,
Đà Lạt có một không gian yên tĩnh tuyệt vời nên chẳng lạ gì khi thành phố này có
nhiều ngôi chùa, trong số đó Thiền Viện Trúc Lâm được xem là thiền viện lớn nhất
nước ta, có lẽ là nơi nhiều khách thập phương đến vãn cảnh, thắp hương, lễ phật.
Không phải ai đến chùa cũng niệm phật và mang trong lòng “từ bi, hỉ xả”, nhưng
ít nhiều đặt chân đến chốn thanh tịnh này mọi người dường như có cơ hội để tịnh
tâm và phần nào ngộ ra cái thuyết luân hồi của nhà Phật. Cho dù là một chút,
thật ít nhưng cái “tâm trong phật, phật trong tâm” đã được khơi dậy giúp những
kẻ sống cõi trần tục bớt đi “tham, sân, si”. Tôi đã nghe theo lời giảng dạy của
một vị hòa thượng trong thiền viện chậm rãi từng bước chân nhẹ nhàng qua 200 bậc
lên xuống của tam cấp để thật sự tịnh tâm và tìm chút thanh thản trong cõi ta
bà.
Những con dốc dài không làm chùn chân một số du khách thích đi xe đạp đôi,
một loại hình du lịch mới lạ vừa phổ biến ở Đà Lạt. Thỉnh thoảng buổi chiều sau
giờ làm việc tôi dạo phố bằng chiếc xe đạp thể thao mua từ Sài Gòn. Thú vị lắm
khi đi lại bằng xe đạp - một phương tiện quen thuộc trước đây, nhưng có lẽ nhiều
năm qua lệ thuộc vào xe gắn máy nên khi tự kiểm tra độ bền về thể lực mới biết
sức khỏe chưa thật tốt. Rướn đôi chân vượt qua những con dốc trên đường Hùng
Vương, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 4, chạy dọc bờ Hồ Xuân Hương, tôi cố đạp và dừng
chân ở khu Hòa Bình để thở khi tim đập loạn xạ, cảm giác là mau đuối sức hơn một
giờ đánh banh tenis. Sau 15 cây số đạp xe cơ thể như được làm nóng lên, chiếc áo
ấm tôi mặc lúc đó trở nên thừa. Bạn bè tôi ở nơi khác đến chơi thấy ngồ ngộ cũng
thuê xe đạp đôi nhưng chưa hết một giờ thuê xe họ đã sớm nói lời chia tay vì mệt
đến ứ hò he. Giờ đây phong trào xe đạp đôi đã trở thành quen thuộc với thành phố
du lịch có nhiều con dốc nhất, không biết nó sẽ tồn tại đến khi nào, chỉ biết
rằng đất Sài Gòn khó mà có cảnh từng tốp người đạp xe đôi như Đà Lạt. Buổi sáng
thức dậy tôi có thói quen nhìn nhiệt kế treo trong phòng ngủ trước khi ra sân
tập thể dục, chạy bộ vài cây số, hít thở không khí trong lành và thích thú khi
được chạy bộ giữa màn sương mù bao phủ. Mỗi khi về lại Sài Gòn tôi không thể tìm
đâu ra một môi trường sạch, đẹp như sớm mai của Đà Lạt và thú thật những lúc như
thế tôi xao xuyến nhớ về thành phố mộng mơ.
Đà Lạt với nhiều tên gọi: thành phố tình yêu, thành phố du lịch, thành phố
ngàn hoa… ít nhiều đã để lại trong tôi niềm vui, nỗi buồn về một chặng đường
công tác xa nhà.