Thành phố ngàn hoa Đà Lạt có rất nhiều danh lam thắng cảnh
như hồ Xuân Hương, thác Pren, hồ Tuyền Lâm, thác Cam Ly, dinh Bảo Đại, vườn hoa
Minh Tâm… Thế nhưng du khách khi đến Đà Lạt không thể bỏ qua một địa điểm lý thú
là chợ Đà Lạt. Lâu nay, chợ Đà Lạt ít được các hãng du lịch đưa vào chương trình
tour nên không nhiều du khách hiểu được bề dày lịch sử cùng những nét đẹp văn
hóa của nó.
Năm 1929, chợ Đà Lạt ra đời, ban đầu được dựng bằng cây rừng
nên còn gọi là chợ Cây. Qua bao biến thiên của thành phố sương mù, chợ có nhiều
thay đổi. Hiện nay, chợ được xây bằng gạch khang trang, lại có thêm một cầu
thang nối liền lầu 2 với khu Hòa Bình, tạo nên sự liên kết không gian quanh khu
trung tâm và tạo nét riêng cho kiến trúc chợ Đà Lạt.

Một nét văn hóa chợ
Người dân ở đây coi ngôi chợ là trái tim của thành phố. So
với các chợ ở thành phố khác, chợ Đà Lạt không lớn bằng nhưng lại có nét duyên
riêng cuốn hút du khách. Người ta thường nói “ồn ào như cái chợ”, nhưng ấn tượng
đầu tiên khi vào chợ Đà Lạt là sự ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ. Chợ Đà Lạt được
chia làm 3 khu A, B, C với tổng số 1.356 quầy, sạp. Tại các quầy hàng, người ta
mời chào, nói năng một cách nhỏ nhẹ, từ tốn, lịch sự chứ không chèo kéo, la lối
như thường thấy. Người Đà Lạt nói chung ưa ăn nói nhẹ nhàng tình cảm. Người ta
đem nụ cười và sự nhẹ nhàng ấy vào nơi mua bán tấp nập làm mát lòng du khách.
Ban Quản lý chợ còn đề nghị tất cả các hộ ký cam kết ăn mặc lịch sự, bán đúng
giá niêm yết.
Một trong những ấn tượng khác để lại dấu ấn đẹp trong lòng du
khách đó là người bán hàng ở Đà Lạt rất ít nói thách. Thường người bán nói sát
giá chứ không “nói mười bán một” hoặc hét “trên trời dưới đất” như nhiều nơi
khác. Nếu bạn là người xông hàng, mặc cả rồi mà không mua thì cũng không sao,
không phải sợ bị… chửi hoặc bị đốt “bông lông”. Điều đặc biệt nữa là chuyện cân
đong rất đủ, chính xác, rất ít khi gặp chuyện “mua cân già, bán cân non”… Có
được điều này cũng là nhờ sự giám sát, quản lý và xử lý kịp thời, nghiêm khắc
của ban quản lý chợ.
Chợ Đà Lạt là chợ đầu tiên trong cả nước có quầy rau, củ, quả
sạch và khu bán thịt heo an toàn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách, nhất
là khi Đà Lạt đang vào mùa cao điểm du lịch. Chợ cũng lùi thời gian đóng cửa vào
ban đêm với các mặt hàng khô, đặc sản, quần áo để phục vụ nhu cầu mua sắm của du
khách.

Mua gì tại chợ Đà Lạt?
Chợ Đà Lạt tuy khá nhỏ nhưng lại rất phong phú hàng hóa, đặc
biệt là các mặt hàng đặc sản của xứ sương mù. Nhiều nhất và nổi bật nhất vẫn là
hoa. Đủ loại hoa, vô vàn màu sắc, hoa tươi, hoa khô hoa nào cũng đẹp. Vào những
ngày lễ, chợ Đà Lạt như một lẵng hoa lớn rực rỡ sắc màu… Sau hoa là quả. Là một
thành phố có thời tiết mát lạnh quanh năm nên Đà Lạt có rất nhiều hoa quả. Nhiều
loại quả được trồng từ các nơi khác cũng tập trung về Đà Lạt. Nào là hồng, dâu,
táo, mít, bơ, xoài, mận, lê, khoai lang, đu đủ… Ngoài quả tươi, chúng còn được
chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như sấy khô, ướp đường, đông lạnh… để du
khách có thể mua làm quà đường xa. Chính những mặt hàng đặc sản địa phương này
đã góp phần tạo nên nét riêng, rất đặc trưng của Đà Lạt.
Chợ đêm Đà Lạt
Đi chợ Đà Lạt cũng là đi dạo, đi ngắm hàng hóa, ngắm người ta
mua bán tấp nập,… và đặc biệt là đi chợ đêm (còn gọi là chợ Âm Phủ) – nơi bán
đầy đủ các mặt hàng. Chợ hoạt động từ khoảng 4 giờ chiều khi chợ lồng sắp mãn và
nó diễn ra suốt đêm. Ở đây người ta bán đủ thứ, nào rượu vang Đà Lạt, nào áo
len, nào tranh khắc gỗ, tranh bút lửa, nào thổ cẩm, nào bánh mứt, trái cây, hoa…
Tuy nhiên, phổ biến nhất là quần áo “si đa”, đồ trang sức và các món ăn, đồ
uống. Đồ được bày ra cả đống trên những chiếc bạt và những thúng, rổ. Bạn tha hồ
đào bới lựa chọn mà không hề sợ người bán la rầy. Đồ bán ở đây rất rẻ, chỉ cần
10-15 ngàn đồng là bạn có thể sở hữu một chiếc áo len, áo khoác, cái quần jean
hay chiếc áo sơ mi ra trò. Giữa màn đêm se lạnh, cảnh người bán rao hàng người
mua trả giá, nam nữ, già trẻ nói cười nhộn nhịp mua hàng trông thật là thú vị.
Mỏi chân, du khách lại ngồi bên quán uống ly sữa đậu nành nóng hổi, thơm lừng
hay thưởng thức các loại chè nấu từ các loại hạt đậu để cảm nhận hương vị ngọt
ngào ấm cúng.
Sắc hoa Đà Lạt
Sáng sớm, trước cửa chợ sương chưa tan, chợ rau xanh đã đông
nghẹt. Những bước chân du khách len lỏi hết dãy này qua dãy khác không biết
chán. Đúng 6 giờ 30, tiếng còi của đội trật tự sẽ báo hiệu giờ họp chợ rau buổi
sáng đã hết. Tất cả nhanh chóng giải tỏa để làm vệ sinh và trả lại lối thông
thoáng cho người đi chợ...Chợ Đà Lạt không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao
lưu văn hóa của khách với người địa phương, nơi giao hòa của người và vật. Có lẽ
ít có du khách nào đã lên Đà Lạt khi trở về lại không mang một chút gì đó là
hương vị, là kỷ niệm Đà Lạt, kỷ niệm về một ngôi chợ văn hóa của thành phố xinh
đẹp, có khí hậu tuyệt vời, đầy nắng gió của cao nguyên Lâm Đồng. Đi chợ Đà Lạt
quả là một niềm vui, là sự thích thú và nó để lại một ấn tượng khó phai trong
lòng du khách thập phương.