Đà Lạt sương giăng, đất trời lành lạnh, ngồi nhâm nhi ly café
nóng, hương café quyện vào không gian nồng ấm của đất trời, của nến và của hương
hoa, chợt nghe lòng thanh thản lạ. Thêm một vài giọt guitar của cô chủ quán nữa,
bỗng thấy cuộc đời sao đẹp đến lạ thường.
Vâng! Đó là những cảm giác khi tôi đến thăm quán nhỏ Cung Tơ
Chiều vào một buổi tối Đà Lạt mờ sương.
Cung Tơ Chiều "ngự" một mình trên quả đồi cạnh đường lên Dinh
3, heo hút, và tối lắm đối với những lữ khách vừa chân ướt chân ráo đến thăm phố
núi. Tấm bảng gỗ Cung Tơ Quán treo mình khiêm tốn trên một thân cây thông to
ngay dưới chân đồi, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được con đường mòn dẫn
vào quán. Cánh cửa rào mở rộng, trên cửa là bảng nội quy "Vui lòng nói chuyện
nhỏ hơn tiếng nhạc", nhưng tuyệt nhiên không một ánh đèn nào chứng tỏ nơi đây là
một quán café. Không gian yên ắng nghe rõ tiếng côn trùng, ánh đèn của một ngôi
nhà hắt ra vài tia sáng vàng vọt. Một anh phục vụ đến mở cửa quán nhưng không
quên nhắc chúng tôi "Quán đến 7g mới mở cửa, nhưng anh chị có thể vào ngồi chơi
thoải mái".
Trong quán chừng 50 chỗ ngồi, có 2 chiếc đèn lồng treo cao
tỏa ra thứ ánh sáng vừa ma quái, vừa quyến rũ hắt lên bức tranh liêu trai trên
tường, cũng may, đêm nay Đà Lạt không lạnh lắm, chứ nếu không, chúng tôi đã
không dám ngồi yên trong khung cảnh thế này. Giữa quán là một sân khấu nhỏ, có
đàn guitar, có dàn trống nhỏ, có piano, có micro, đúng là một quán café hát với
nhau. Một vài giá nến treo cạnh tường vẫn chưa được thắp sáng.
7g30', anh phục vụ ban nãy bỏ đĩa nhạc Khánh Ly vào chiếc máy
hát đĩa, mở những dây đèn chớp ngoài hiên, thắp sáng những cây bạch lạp, giờ thì
không khí của Cung Tơ Chiều đã mang dáng dấp của một quán café Trịnh của đất Sài
Thành. 8g, quán cũng chỉ mới có 2 bàn, với vỏn vẹn 6 khách. Cô chủ quán đến bên
cây đàn, so dây, không nhìn chúng tôi, cô nói "Hôm nay nhà tôi có khách, tôi đã
định không bán quán. Hôm nay, tôi chỉ muốn hát 2 bài, và tôi cũng muốn nghe lại
2 bài, các bạn đồng ý chứ".
"Chiều nay mình lang thang trên phố dài ..." một giọng hát
trầm, mạnh mẽ chợt vút cao, dường như hơi thở tôi tắt nghẹn, một cảm giác khó tả
lan nhanh trong tôi. Với âm vực rộng, giọng hát chân phương, thật đến bất ngờ,
cô chủ quán như để hết lòng mình trong từng câu hát, có lúc thì thào, có lúc sôi
nổi, dâng trào, tiếng hát như chảy tràn từ trái tim người nghệ sĩ. Bàn tay gầy
búng đàn điêu luyện, những ngón tay thon như múa trên dây đàn.
"Muốn hát hay một bài hát, điều đầu tiên là các bạn phải
thuộc lời bài hát và sau đó là các bạn phải đặt hết tâm của mình vào đó. Vì lẽ
đó mà tôi thuộc rất nhiều bài hát, của Trịnh Công Sơn, của Ngô Thụy Miên,...,
khi có hứng, tôi có thể hát suốt đêm, hát bài này đến bài khác, có đêm, tôi
chẳng hát bài nào cả. Cho nên các bạn thấy đó, tôi không hề trưng bảng đề hàng
đêm có tôi hát. Đây là nhà tôi, tôi hát hay không là tùy thuộc vào tôi, tôi hát
rất tự nhiên, tôi hát bằng cả tâm hồn tôi. Ca sĩ thì phải hát đúng giọng, đúng
nốt, nhưng tôi, tôi không phải là ca sĩ nên tôi hát theo ngẫu hứng, theo tâm
trạng của mình, tôi thích ngắt ở đâu thì tôi ngắt, tôi thích dừng ở đâu thì tôi
dừng, miễn sao tôi cảm thấy điều đó diễn đạt được cảm xúc của tôi. Người ta hát
vì tiền, còn tôi, tôi hát vì tình."
Giọng hát, cách nhấn nhá, nhả chữ, ngắt giọng "không giống
ai"của cô đã thể hiện điều đó. Cả vóc người xương xương, mái tóc cắt ngang vai,
bước chân thanh thoát cũng toát lên phong cách nghệ sĩ đầy ngẫu hứng. Cô đã hát
xong bài hát thứ hai, cả nhóm, chẳng ai "dám" đề nghị cô hát thêm bài nữa, có
lẽ vì "hiểu" rằng có nài thì cô cũng sẽ chẳng hát đâu.
10g khuya, Đà Lạt chìm trong sương lạnh, vẫn thấy ấm nồng một
nốt trầm giữa lòng thành phố núi.