Với tên gọi chính
thức Dalat Classical Music Festival 2009, sự kiện này sẽ kéo dài từ 28.2 đến
7.3 luân phiên giữa hai khách sạn Sofitel Dalat Palace và Evason Ana Mandara.
* Đà Lạt khát tình cổ điển
Đà Lạt trong tôi luôn là Đà Lạt của âm
nhạc. Những bước chân đầu tiên của tôi trong đêm vắng Đà Lạt khi còn là một
thiếu niên đã bị cuốn hút lần theo một tiếng dương cầm. Trong cái tĩnh mịch
của đêm, những ngọn đèn đường nhuộm vàng vọt màn sương như rung ngân và vỡ tan
theo từng giọt thánh thót của một Dạ khúc Chopin. Tiếng dương cầm ấy xa vắng
mà rất gần, giăng mắc lãng mạn trên ngọn cây và tẩm ướt đam mê ngập những bờ
cỏ. Tôi lang thang như mộng du trong suối âm thanh mơ hồ ấy. Không biết ai đang
chơi đàn hay nhà nào đang mở một đĩa hát, nhưng Đà Lạt từ đó trong tâm thức
tôi là một âm quyển cổ điển. Còn hình ảnh nào lộng lẫy hơn là một giàn nhạc
giao hưởng chơi dưới rừng thông?
Dân mê nhạc cổ điển ở Đà Lạt hiếm có
dịp thưởng thức những cuộc trình diễn của loại âm nhạc hàn lâm này. Năm 1972,
Hội Việt Mỹ ở đây từng tổ chức cho nữ danh cầm guitar Mỹ Alice Artzt biểu diễn
một đêm duy nhất. Hơn 30 năm sau, lần đầu tiên thực sự có đêm cổ điển ở Đà Lạt
là chương trình của Giàn nhạc giao hưởng và Vũ kịch Tp.HCM biểu diễn tại Nhà
Văn hóa Thiếu nhi nhân dịp Lễ hội 110 năm Đà Lạt năm 2003. Ba năm sau, cũng
chỉ diễn một đêm duy nhất tại cùng địa điểm đó là chương trình của nhóm tứ tấu
đàn dây Apple Hill Chamber Players do Sứ quán Mỹ tổ chức. Chỉ có hai đêm lãng
mạn cho 30 năm!
Nhưng Dalat Classical Music Festival
2009 sẽ thỏa mãn niềm khát khao của dân yêu nhạc cổ điển. Ngoài NSND Đặng Thái
Sơn, Liên hoan còn có sự tham gia của nhóm tứ tấu đàn dây Darius Quartet và
nữ nghệ sĩ violon Maryvonne Le Dizes (Pháp), nữ nghệ sĩ violon Hae-sun Kang
(Hàn Quốc), nghệ sĩ piano Dimitri Vassiliakis (Hy Lạp)…Giới nhạc cổ điển trong
nước góp mặt với nghệ sĩ piano Lê Hồ Hải và nhóm tứ tấu đàn dây của Nhạc viện
Tp.HCM, nhóm ngũ tấu kèn đồng Hà Nội, và nhiều nhạc sĩ khác. Chương trình biểu
diễn của Đặng Thái Sơn đêm 1.3 là một chương trình độc tấu toàn nhạc Chopin.
Linh hồn lãng mạn của Đà Lạt rồi sẽ được tắm tưới bằng những giọt dương cầm
lấp lánh.
* Tiếng nói trái tim
Sự kiện âm nhạc này do hai khách sạn
nói trên cùng công ty du lịch Exotissimo phối hợp theo ý tưởng của ông Alain
Daniel Couderc – nhà tổ chức hoạt động âm nhạc xuất thân là dân khoa học máy
tính. Ông cho biết: “Nhờ nền giáo dục Pháp, tôi luôn là một người yêu nhạc cổ
điển. Tôi nghe nhạc suốt đời tôi và không tìm thấy loại nhạc nào khác thích
hợp nhất với cá tính của mình và lột tả được những cảm xúc nhân sinh đa dạng
khó thâu tóm nhất.”
Khi bán công ty phần mềm của mình vào
năm 1989, ông Alain quyết định dành thời gian để chia sẻ trải nghiệm âm nhạc
của mình với giới trẻ trong khuôn khổ các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận.
Ông được giao trách nhiệm huy động tài trợ và tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc
ở nhiều nước châu Âu. Sau đó, ông sáng lập và điều hành một đài phát thanh ở
Aix en Provence, Pháp (một thành phố lịch sử tuyệt đẹp nơi các lễ hội âm nhạc
và opera lừng danh được tổ chức hàng năm kể từ 1947). Và ông bắt đầu tổ chức
những chương trình hòa nhạc để quảng bá các tài năng trẻ.
Ông biết tiếng Đặng Thái Sơn từ 1980
khi anh là nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải trong Cuộc thi piano quốc tế Chopin
cho nên rất sung sướng nghe Đặng Thái Sơn biểu diễn ở Ecole Polytechnique, Paris
năm 1997. Sau đó ông còn nhiều dịp tiếp xúc với Đặng Thái Sơn trong các buổi
hòa nhạc và festival âm nhạc ở Nhật, Việt Nam và Pháp. Ông nói: “Chúng tôi đã
trò chuyện hứng thú và thấy cả hai có mục đích chung là làm được điều gì có
ý nghĩa với nền âm nhạc Việt Nam. Khi Sơn chấp nhận biểu diễn ở Đà Lạt, bất
kể có nhiều lời mời ở khắp thế giới, tôi là người hạnh phuc nhất hành tinh.
Những trái tim đã lên tiếng và tình yêu Việt Nam, tình yêu âm nhạc đã nói lời
cuối cùng.”
Theo ý tưởng của ông Alain, Dalat Classical
Music Festival kể từ năm 2009 sẽ là sự kiện tổ chức hàng năm tại Đà Lạt. “Nhưng
sao ông lại chọn Đà Lạt để tổ chức chứ không phải Hà Nội hay Tp.HCM?” – tôi
hỏi. “Tôi yêu Đà Lạt vô điều kiện,” ông nói. “Khi tôi quyết định nghỉ hưu nhiều
năm trước, sau khi viếng thăm nhiều nơi ở Đông Nam Á, tôi cho Đà Lạt là nơi
tuyệt nhất... Mối liên quan giữa nhạc cổ điển và Đà Lạt nảy sinh một cách tự
nhiên trong tâm trí tôi. Rõ ràng loại âm nhạc tinh tế này rất phù hợp với phong
cách và lịch sử của Đà Lạt.”
Đây là liên hoan âm nhạc không dành cho
mọi người vì giá vé không rẻ. Nhưng nếu đây là tình yêu của ta thì không có
gì ngăn cản được khát khao. Nếu không thể thưởng thức trọn lễ hội này, chắc
chắn tôi sẽ có mặt trong đại tiệc Chopin của Đặng Thái Sơn. Còn giao hưởng dưới
rừng thông ư? Ta cứ ôm ấp ước mơ đi.