Chi tiết tin

Ngày Tết nói chuyện Mai Anh Đào

Ngày : 19/02/2009
Mô tả :

Mỗi năm cứ dịp Xuân về Tết đến thì Đà Lạt lại rực hồng bởi sắc hoa Mai anh đào...

Chính vì ngất ngây trước màu hồng cả một góc trời bên hồ Xuân hương thơ mộng, nên nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết nên một tình khúc bất tử “Ai lên xứ hoa đào”, và du khách cũng đã phong tặng cho Đà Lạt mỹ từ ấy. Mai anh đào được các nhà khoa học trìu mến đặt cho một cái tên thật hay: Prunus Cerasoides, Prunus Sumonobeauty, vì nó có hình dáng như cây Đào (Prunus), nhưng lại có năm cánh hồng thắm, duyên dáng như hoa Mai (Cerasoides)…

        Thông thường cứ vào dịp lễ Giáng sinh – khi mà cái lạnh tràn về, bầu trời cao nguyên cao và xanh hơn, thì du khách bốn phương đến Đà Lạt chợt bàng hoàng bởi màu hồng của Mai anh đào. Riêng Giáng sinh năm nay 2008, không hiểu sao những cây Mai anh đào ven hồ lại ra hoa muộn, có lẽ nó muốn chờ đến Tết Âm lịch để đua sắc với các nàng tiên hoa khác. Chính màu hồng của Mai anh đào làm rạng rỡ thêm cho gương mặt của thành phố hoa Đà Lạt với một thoáng Nhật Bản bên cạnh những biệt thự mang dáng dấp của một thành phố Châu Âu. Vẻ đẹp ấy chỉ riêng Đà Lạt mới có, và không giống bất cứ một thành phố nào trong cả nước.

Theo tư liệu của Hoàng Nguyễn thì Mai anh đào có nguồn gốc từ một loài cây hoang dại mọc ở mọc ở vùng núi cao Nhật Bản được mang về trồng tại Đà Lạt từ những năm 60 của thế kỷ XX. Lúc ấy các nhà nông học miền Nam đã liên hệ với cơ quan di truyền Nhật Bản xin cung cấp một loại cây Anh đào để trồng trên dải đất nam Tây Nguyên. Kết quả khảo nghiệm tại Đà Lạt thật bất ngờ: giống Anh đào có xuất xứ từ miền Nam nước Nhật có tên khoa học là Prunus Sumonobeauty phát triển khá tốt. Ngày 7/1/1963 Anh đào Prunus Sumonobeauty được gieo ươm tại vườn thực vật Cam Ly. Đến cuối tháng 10/1963, khi đạt tiêu chuẩn cao trung bình 1,2 m nó được đưa ra trồng quanh hồ Xuân Hương. Song, ngay sau đó, tháng 11/1963 những cây Anh đào Prunus Sumonobeauty đã bị tàn phá và đánh cắp gần hết. Người dân Đà thành không còn thấy vết tích của loại cây Anh đào Nhật bản đầu tiên đưa lên trồng ở cao nguyên Lâm Viên nữa. Lại có người cho rằng do không phù hợp với nhiệt độ và sương mù nên cuối cùng có rất ít những cây Anh đào còn sống sót.

        Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi thì những cây Mai anh đào đang tồn tại và phát triển tại Đà Lạt hôm nay lại khác hẳn Anh đào Nhật Bản. Mai anh đào mọc tự nhiên trong những khu rừng ngoại ô thành phố. Nếu Anh đào Nhật cánh kép nhiều màu, hoa to, thì Mai anh đào Đà Lạt lại cánh đơn, hoa nhỏ. Cứ vào dịp cuối đông, khi những cụm hoa Dã quỳ nôn nóng nở rộ, nhuộm một màu vàng kiêu sa trên các triền đồi, thì Mai anh đào lại muộn mằn, khiêm tốn hơn. Thoạt đầu, cây rụng hết lá, thân cành trơ trụi, mốc meo. Cành của nó đưa lên trời như bộ xương khô. Khách đa cảm có thể buồn vì nghĩ rằng nó đã chết! Nhưng không, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, làn gió đông rét buốc thổi qua thân cây khẳng khiu, cây Mai anh đào âm thầm chịu đựng để đến một buổi sáng khi bạn tỉnh giấc nhìn qua cửa sổ: cỏ vẫn xanh, hồ nước vẫn xanh, song ô kìa trong làn sương khói bồng bềnh, những nụ hồng tinh khiết, mơ màng và lôi cuốn lại xuất hiện. Mấy cụm hoa Dã quỳ lùi dần, nhường chỗ cho Mai anh đào tô điểm một màu hồng sang trọng cho thành phố.

Thế nhưng, khi gặp tôi nhiều người bạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh biết tôi là tác giả tập sách “Bí mật thành phố hoa Đà Lạt” nên không ít băn khoăn và đặt câu hỏi:“ Tại sao Mai anh đào không mọc thành rừng như Dã quỳ?”. Xin thưa, trước đây từ thuở còn hoang sơ Đà Lạt đã là xứ sở của Mai anh đào. Lúc ấy, Mai anh đào mọc nhiều lắm, người dân thấy hoa đẹp nên bứng đem về nhà trồng. Nhưng rồi thế sự xoay vần, một số cây già cỗi chết đi, một số cây trẻ thì bị người ta nhẫn tâm đốn chặt, nên hôm nay dù nhiều cây Mai anh đào được trồng thêm bên hồ Xuân Hương và một số ngã đường trong thành phố, nhưng xem ra vẫn còn thưa thớt vô cùng. Tuy du khách yêu mến gọi là Anh đào, nhưng người dân Đà thành quen gọi là Mai. Thuở ấy Đà Lạt có cả một cả một rừng Mai. Ít ra những năm 1970, khi tôi đi học ngang qua thác Cam Ly vẫn còn thấy nhiều cây Mai anh đào vẫn còn hiện hữu trên những quả đồi cạnh thác. Đứng ở đây nhìn lên đối Đa Cát, du khách có thể nhìn thấy cả một rừng Mai anh đào rực hồng mỗi độ xuân về. Rừng Mai anh đào ấy vẫn còn đọng mãi trong ký ức của tôi và nhiều người dân Đà Lạt. Mấy chục năm trời, rừng Mai anh đào đó vẫn huy hoàng mỗi khi tết đến. Thế rồi, người ta thi nhau phá rừng lấy củi, lấy đất làm nhà, lập vườn, chặt hết thông họ xoay sang đốn cả Mai. Đến một ngày cả một rừng Mai anh đào rực rỡ không còn nữa…

        Những năm gần đây, du khách lên “Xứ hoa đào” tuy không còn nhìn thấy rừng Mai anh đào rực rỡ năm xưa, nhưng cũng còn niềm an ủi là nhiều cây Mai anh đào bé nhỏ đã được trồng lại quanh hồ Xuân Hương và các nẻo đường. Theo số liệu của UBNDTP Đà Lạt thì đến năm 2008 đã có thêm 200 cây mai anh đào được trồng tại đường Trần Hưng Đạo. Nhân sự kiện kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật, 39 cây Anh đào Nhật Bản cũng đã được trồng tại vườn hoa thành phố.

         Trong niềm tin của nhiều người dân Đà Lạt, có lẽ trong một tương lai không xa biết đâu chừng cây Mai anh đào sẽ mọc thành rừng trên quê cũ. Lúc ấy chim chóc và các loài hoa vừa có sắc lại vừa có hương chắc chắn sẽ kéo nhau về Đà Lạt nhiều hơn. Viết đến đây tôi bỗng nghe hương vị tết đang đến gần vì văng vẳng bên tai khúc nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Ai lên xứ hoa Đào dừng quên bước lần theo đường hoa. Hoa bay đến bên người rồi hoa theo chân ai…”

 

      

Tìm kiếm khách sạn
Tiêu chuẩn (sao)
Ngày bắt đầu: Ngày kết thúc:
Giới thiệu bởi Trung tâm tư vấn DalatCity
Nhà nghỉ Loại khác
Giá:
Từ: Đến:
Tên Đường:   Tên Khách Sạn:
Khu Vực:  
Những thuận lợi