Tôi đã đến vùng
Đá Tiên – Núi Voi này nhiều lần, và lần này trở lại với nhóm du khách người
Nga. Các bạn Nga vô cùng ngạc nhiên và thú vị trước tình yêu rừng và cách giữ
rừng của ông Nguyễn Đức Phúc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Phương Nam.
Họ bảo: “Ông Phúc rất thông minh, tour du lịch của ông Phúc rất độc đáo”. Đó
cũng là nhận xét của nhiều du khách khi đã đến đây. Vì ngay từ khi bắt tay vào
nhận quản lý bảo vệ mấy trăm ha rừng vùng Suối Tía – hồ Tuyền Lâm, ông Phúc
đã thiết lập tour du lịch trên theo cách nghĩ của một cựu sĩ quan đặc công:
làm những căn nhà nhỏ y như căn hầm chữ A trong chiến tranh, và những cái lều
trên ngọn cây hình tổ chim đại bàng, chim ó… “Đó là cách để ở với rừng hợp lý
nhất của Việt Cộng” – một du khách đến từ Đức nói. Tất nhiên, trong những cái
“chòi của Việt Cộng” năm xưa, ông Phúc đã trang bị mền, mùng, nệm loại xịn,
lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Ông tự chế một bình nước nóng đặt trong nhà
vệ sinh nằm bên sườn núi. Ở đây, không có bất cứ thứ gì liên quan đến bê tông,
gạch, ngói…
Địa điểm ông chọn để làm tour chính là
căn cứ địa cách mạng Suối Tía trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ,
nơi chính ông và đồng đội đã được rừng che chở. Ông Phúc bảo: “Tôi trở lại đây
để trả nghĩa cho rừng”. Do đó, trong những khu rừng được ông quản lý, bảo vệ,
không ai được bứt một cọng cỏ, bẻ một cành cây.
“Đêm trong rừng vắng”, chúng tôi được
tận hưởng hơi thở của rừng, với tiếng suối róc rách, tiếng côn trùng rỉ rả,
tiếng con thú hoang gọi bạn tình nghe thật thao thiết. Chúng tôi dậy thật sớm,
men theo một con đường nhỏ, khám phá ra một buôn làng cổ của người Chill, ghé
vào sưởi lửa với già làng Ha Siêng. Già mời chúng tôi ăn bắp luộc vừa bẻ trong
vườn nhà, và câu chuyện cuộc đời của già Siêng, của buôn Đarahoa dần tái hiện.
“Trước giải phóng, dân làng mình vẫn sống du canh, du cư, chọc lỗ, tỉa hạt kiếm
trái bắp, củ mì…cực khổ lắm. Sau giải phóng, nghe kẻ xấu xúi giục, dân làng
theo Fulro sống chui, sống nhủi trong rừng chẳng khác gì con nai, con đỏ. Vợ
chồng mình đem con lên sống ở hang núi có tên Chơ Vơ Đá Dựng. Đến tận năm 1987,
ông Phúc tìm được khuyên mình về. Bà con người Chill mình theo ông Phúc về đây
lập làng chăn nuôi và trồng tỉa. Công việc chính là quản lý, bảo vệ rừng, hàng
tháng có lương, cuộc sống ngày càng ổn định”…
Thấy mô hình giữ
rừng này hiệu quả, chính quyền địa phương đã giao cho ông Phúc thêm hàng ngàn
ha rừng. Ông trở thành một trong những người “nhiều rừng nhất Việt Nam”. Cái
“thương hiệu” đó buộc ông suốt đời gắn với rừng. Ông dùng voi đưa du khách qua
vùng rừng “của mình”, kéo dài từ Đức Trọng – Lâm Hà qua Đam Rông, sang Đắk Lắk,
theo con đường xanh Tây Nguyên – nơi có 9 buôn làng đã định canh, định cư và
quản lý bảo vệ rừng theo mô hình buôn Đarahoa. Ông Phúc bảo: “Tôi trở lại đây
để trả nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số - những người đã từng chia với bộ
đội chúng tôi từ hạt muối, củ khoai…”. Dường như những năm tháng chiến tranh
với rừng, với người Tây Nguyên bản địa đã hòa ông vào cộng đồng này. Một cộng
đồng cháy bỏng khát vọng sống như thiên nhiên. Và mỗi lần đến với họ, tôi như
được trở về với cội nguồn của tổ tiên xưa, nơi một màu xanh ngắt của rừng già
chảy tràn trên những đỉnh núi mờ sương…
Ở những buôn làng “của ông Phúc”, chúng
tôi được bà con dẫn đi săn, bạn tôi mừng khôn tả khi bắt được con heo rừng (sau
hỏi ra được biết ông Phúc đã thả heo thượng, trâu Mura Ấn Độ, thỏ… vào rừng
cho du khách bắn). Tất cả các loại thịt được chế biến theo kiểu rừng: tẩm riềng,
sả, mẻ, mắm tôm rồi nướng lên được gọi là thịt heo rừng, trâu rừng. Ngồi ăn
bên bếp lửa, uống rượu cần, nghe tiếng đồng la lan xa trên những dòng sông,
những bản nhạc rộn rã, tha thiết mời gọi. Những bản đồng la đối đáp nhau, đuổi
theo nhau trên bè trầm của Me, ngân nga của Đim, dồn dập của Dum, sôi nổi của
Thoòng, vang dội của Thơ, lảnh lót của Thế (Me, Đim Dum, Thoòng, Thơ, Thế là
tên 6 chiếc đồng la). Và khi những thiếu nữ Chill, Chu Ru bước vào vòng múa,
với ý nghĩa là múa để làm đẹp lòng các thần linh, một cảm giác rất rõ ràng về
sự bất lực của ống kính máy ảnh trước vẻ đẹp kỳ bí, huyễn hoặc của những con
người vùng sơn cước.