Trong những
lời khan vắn dài ấy lờ mờ một ấn tượng rằng, con trâu là vật tổ của các dân
tộc Tây Nguyên. Có người từng đặt giả thiết: Phải chăng, do quan niệm như vậy
mà nhiều dân tộc ở Tây Nguyên có tục cà sát hàm răng trên để giống với vật tổ?!…
 |
Buôn làng vào
hội xuân
|
Nhưng dù sao thì
đó cũng chỉ là giả thiết, tuy nhiên, cái tồn tại đến ngày hôm nay là con trâu
được dùng làm thứ lễ vật hiến tế quý giá nhất, vật để quy đổi các sản vật, quy
định mức hình phạt, đánh giá sự giàu có của các dòng họ, các gia đình. Trong
quan niệm của người Tây Nguyên: nhà có nhiều chiêng choé, trâu bò – ấy là nhà
giàu, lễ có đâm trâu cúng tế – ấy là lễ lớn, tội có buôn làng phạt trâu – ấy
là tội trọng. Cuộc sống hoang dã, gần gũi với thiên nhiên của họ với tín ngưỡng
sơ khai cùng phương thức canh tác chọc lỗ tra hạt đã tạo nên cái nhìn khác đối
với con trâu. Không giống như người Việt trồng lúa nước ở đồng bằng với bài
ca dao lao động “Trâu ơi, ta bảo…”.
Trở lại với tín ngưỡng đa thần của các
tộc người Tây Nguyên, con người (với điểm xuất phát sơ khai), cảm thấy mình
nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Nhìn xung quanh, cái gì đối với họ cũng cao cả,
đầy hăm dọa, từ những ngọn núi sừng sững im lìm mà đầy bí hiểm, những thác nước
hùng vĩ đổ ào ào ngàn đời không dứt, những gốc cổ thụ sum suê giữa rừng già,
những đêm mưa bão ì ầm, những ngày nắng cháy thiêu đốt…Tất cả tạo thành một
lực lượng siêu nhiên huyền bí, luôn đe dọa, rình rập và ám ảnh. Do đó, họ phải
tìm một nơi nương tựa, tìm một quyền lực để che chở. Từ đó, trong đầu óc người
thiểu số Tây Nguyên từ thưở xa xưa ấy đã nảy sinh ra hình bóng những vị thần
đầy sức mạnh, quyền uy sẵn sàng giúp họ chống lại những hăm doạ của thiên nhiên.
Bên cạnh những vị phúc thần chở che còn có vô số những hung thần, ác quỷ, yêu
ma rình rập ám hại. Vì thế, họ luôn phải cầu xin thần thánh, “hối lộ” ma quỷ
để mong được yên ổn. Trong những dịp “cầu xin” hay “hối lộ” như thế, người ta
thường tổ chức lễ hội đâm trâu mà người Châu Mạ ở Nam Tây Nguyên gọi là lễ hội
Sapur…
Lễ hội Sapur mang tính chất trung tâm
điểm của mọi sinh hoạt tinh thần và vật chất của cư dân miền Thượng. Ví như
có năm hạn hán kéo dài, dân làng phải cúng Yàng xin mưa. Chủ tế ngửa mặt lên
trời và khấn: “Ơ Yàng, xin Yàng làm mưa bên Đông làm giông bên Tây…Xin Yàng
cho suối ngập nước cho sông đầy tràn. Dân làng sẽ tạ ơn Yàng một con trâu trắng…”
Hoặc đâm trâu được tổ chức trong các buổi lễ ăn mừng tạ ơn Yàng, thần núi (Yàng
Kông), thần sông (Yàng Dak), thần sấm (Yàng Bok Glak), thần lúa (Yàng Sơri).
Nhiều gia đình giàu có còn cúng trâu tạ ơn thần linh cho họ ăn nên làm ra hay
làm lễ bỏ mả người thân. Dù cộng đồng hay gia đình thì đâm trâu cũng là buổi
lễ trọng đại nhất trong các lễ hội của cư dân miền Thượng. Dù sắc thái của lễ
hội này ở mỗi sắc tộc có nét khác nhau, nhưng thông thường:
Trước ngày xảy ra sự kiện trọng đại của
cả cộng đồng, chủ làng thông báo đến tất cả mọi người và công việc chuẩn bị
cũng được bắt đầu như: ủ rượu cần, chọn trâu lớn, chặt cây rừng, trang trí hoa
văn cho cây nêu lễ hội…Riêng chủ làng và thầy cúng (người nối nhịp cầu trung
gian giữa con người với thần linh, ma quỷ) chuẩn bị những thông điệp giao tiếp.
Ngày lễ Sapur ấn định trước đã đến. Trên bãi đất bằng phẳng giữa buôn, trước
sân nhà rông, cây nêu đã được dựng lên từ đêm hôm qua. Cây nêu thường cao từ
năm đến tám mét, được trang trí rất đẹp với các biểu tượng âm – dương, thần
linh – con người và ma quỷ. Con trâu béo khoẻ nhất buôn được cột dưới chân cây
nêu. Xung quanh vòng di chuyển của trâu là khu vực để dân buôn tụ hội hành lễ,
vỗ cồng chiêng, nhảy múa…
Phần lễ được tiến hành trước mà chủ tế
chính là già làng. Trong không khí trang nghiêm, già làng hành lễ bằng những
bài khấn cầu xin tuỳ theo tính chất và mục đích của buổi lễ. Tiếp theo lời cầu
xin là sự dâng mời mà lúc này con trâu trở thành nhân vật trung tâm, kẻ hy sinh
mình cho sự bình yên, no ấm của buôn làng. Chủ tế, sau một hồi phèng la, chiêng
trống của cộng đồng, khấn Yàng : “Ơ Yàng, hôm nay bộ tộc này giết con trâu để
tạ ơn Yàng, (hoặc thần sông, thần núi) đã cho buôn làng có gạo để ăn, có dê,
có gà, có rau rừng để sống, con cháu sinh sôi nảy nở, tai qua nạn khỏi…” Lễ
cầu Yàng chấm dứt, vòng vây gươm giáo xiết chặt gần con trâu. Một người già
giàu kinh nghiệm hạ dao hai nhát, chặt đứt hai chân sau của trâu. Một chàng
thanh niên trẻ khỏe phóng mũi lao đầu tiên vào cơ thể con trâu. Người ta chỉ
reo hò, cổ vũ khi mũi lao đâm được vào cơ thể con trâu 1/3 mà lưỡi lao không
cong hoặc gãy. Giữa vòng vây, những chàng trai trẻ ai cũng tìm cách phóng mũi
lao của mình trúng đích. Và cứ thế, con trâu máu me đầy mình, xoay vòng cho
đến lúc ngã qụy. Đến lúc đó, một chàng thanh niên được già làng chọn trước múa
một vòng rất đẹp rồi bằng một động tác thiện nghệ phóng mũi lao vào tim con
trâu. Linh hồn trâu đã thuộc về thần linh trong tiếng hò reo, tiếng tù và, cồng
chiêng của lũ làng bên ánh lửa bập bùng soi vào vách núi…
Chủ tế khấn Yàng rồi mời mọi người: “Trâu
đã chết, hỡi thần linh, xin đừng đòi thêm nữa – Cạn nơi tôi, tôi về với người
đây – Đến uống đi, hãy đến vợ lẫn chồng – Cha mẹ ruột và mẹ cha bên chồng vợ
– Các bà mẹ, những đứa con, những xóm, những làng – Đến cả những trẻ thơ bé
bỏng – Những ai mù lòa chỉ có gậy cầm tay – Hãy uống nào, hãy đến đây tất cả!”.
Rượu cần, những chóe rượu ngon nhất được mở ra. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt
sáng, từ đêm này qua ngày khác. Trai làng thi tài, gái làng khoe sắc. Gìa làng
giáo huấn cháu con. Hiềm khích giữa các thành viên trong bộ tộc và giữa các
bộ tộc tiêu tan trong men rượu thấm đẫm tình người. Khi những sừng máu trâu
buổi tế lễ hòa trong rượu cần đã cạn, khi bếp lửa với những miếng thịt trâu
béo ngậy đã tàn, khi chủ và khách đã thoả mãn với cuộc vui đến hồi kết thúc,
mọi người chia tay. Nếu bạn là khách của buổi lễ Sapur, khi ra về sẽ được dân
làng tặng một miếng thịt trâu – đó là thông điệp của sự quý mến và thân thiện.