Chi tiết tin

Lang thang cà phê Đà Lạt

Ngày : 23/07/2012
Mô tả : Với nhiều người, lang thang cà phê Đà Lạt chỉ là cái cớ để du khách có dịp tận hưởng chút se lạnh của cao nguyên, ngắm vẻ lãng mạn của phố núi, để thấy thời gian trôi chậm lại, thấy lòng mình bớt chai sạn hơn… Với những ai yêu cà phê và thích cảm giác lãng man thì Đà lạt sẽ là mộtdia diem du lịch hấp dẫn không thể nào bỏ qua.
Đà Lạt, mưa. Những cơn mưa không lớn, cứ rỉ rả, dai dẳng như thấm sâu vào lòng người. Chợt thèm cái cảm giác ngồi co ro nhìn mưa trong quán cà phê cóc chênh vênh giữa dốc dài… Và không chỉ vậy, cà phê Đà Lạt đôi khi còn là những trải nghiệm, những cảm xúc khó quên…

Nhâm nhi cốc cà phê ngắm cảnh mưa rơi
Nhâm nhi cốc cà phê ngắm cảnh mưa rơi

Nhắc đến cà phê Đà Lạt mà không nhắc đến cà phê Tùng là một điều vô cùng thiếu sót. Cà phê Tùng thoạt nhìn không có gì đặc biệt. Một quán nhỏ, nép mình khiêm tốn bên rạp hát 3/4, ngay khu Hòa Bình, khu vực đông đúc và nhộn nhịp nhất Đà Lạt.

Thế nhưng, dường như cái đông đúc, nhộn nhịp ấy chỉ dừng lại bên ngoài tấm kính của cà phê Tùng. Bên trong, cái không gian rất riêng của quán dường như bất biến với thời gian và sự thay đổi của cuộc sống. Bao nhiêu năm, vẫn những băng ghế dài kê sát tường, khách uống cà phê ngồi chung với nhau như để truyền hơi ấm. Không gian ấm cúng, khép kín, nơi bạn có thể cảm nhận giọt cà phê rơi hay hơi thuốc lãng đãng của bàn kề bên.

Không gian tĩnh lặng trong quán cà phê Tùng
Không gian tĩnh lặng trong quán cà phê Tùng

Nép mình khiêm tốn như vậy nhưng cà phê Tùng không chỉ là chốn riêng cho người Đà Lạt. Những dòng du khách cũng đổ về quán. Không biết có phải vì nghe Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và nhiều tên tuổi khác của làng văn nghệ đã từng uống cà phê tại đây.

Người đến rồi đi nhưng cà phê Tùng vẫn vậy, như một dấu lặng trong bài hát về Đà Lạt. Chiếc loa cũ nơi góc tường vẫn dìu dịu những bài nhạc Trịnh… Những lời hát nhẹ nhàng như đang day dứt với một thời xưa cũ…

Cách cà phê Tùng chỉ vài trăm mét là khu cà phê nhộn nhịp nhất Đà Lạt - cà phê dốc Nguyễn Chí Thanh. Con dốc dài về đêm nhấp nháy những cái tên đã trở nên quen thuộc với du khách như Nghệ sĩ, Galy, Phượng tím… Quán nằm liền quán, ở vị trí đắc địa, gần chợ Đà Lạt. Giá cả phải chăng, trang trí đẹp, phục vụ lịch sự…, tất cả những điều này đã khiến các quán cà phê dốc dễ dàng thu hút những đôi chân du khách mỏi nhừ vì dạo phố mua sắm.

Từ ban công các quán cà phê dốc, du khách có thể ngắm hình nhịp sống của những con người nơi đây.
Từ ban công các quán cà phê dốc, du khách có thể ngắm hình nhịp sống của những con người nơi đây.

Chọn một chỗ ngồi sát ban công, từ độ cao của dốc Nguyễn Chí Thanh, du khách có thể cùng lúc quan sát hai cảnh tượng trái ngược nhau. Bên tay trái là chợ Đà Lạt với những dòng người tấp nập, với những hàng quán rộn ánh đèn, với nhịp sống sôi nổi… Ngược lại, bên tay phải, hồ Xuân Hương lúc ẩn lúc hiện trong sương mờ, tĩnh lặng và lãng mạn.

Ở Đà Lạt, hai quán cà phê có vị trí đẹp nhất phải kể đến là Thủy Tạ và Thanh Thuỷ, nằm bên bờ hồ Xuân Hương. Cả hai quán đều rất sang trọng. Thủy Tạ có lịch sử lâu đời với nét cổ kính nép mình dưới những vòm cây. Ngược lại, đối diện bên kia hồ, Thanh Thủy lại khoe dáng với đường nét kiến trúc hiện đại, khỏe khoắn.

Cà phê Thủy tạ cổ kính nép mình bên những vòm cây
Cà phê Thủy tạ cổ kính nép mình bên những vòm cây


Cà phê Thanh Thủy với kiểu dáng và màu sắc hiện đại.
Cà phê Thanh Thủy với kiểu dáng và màu sắc hiện đại.

Người ta vẫn gọi đùa, hai quán này vào buổi tối có đặc sản “cà phê run”. Khách uống cà phê ngồi sát bờ hồ, đầu tiên “run” vì từng đợt gió lạnh, vì hơi nước, vì sương mù… Đến khi gọi tính tiền, họ lại “run” lần nữa vì giá thức uống của hai quán này khá cao so với các quán cà phê khác.

Rời hồ Xuân Hương, qua chợ, ngược về Phan Bội Châu, kế bên trạm xe Thành Bưởi là quán cà phê có kiến trúc độc nhất vô nhị tại Đà Lạt nói riêng và cả Việt Nam nói chung: cà phê Trăm Mái. Kiến trúc sư “quái kiệt” Lữ Trúc Phương đã làm “điên đầu” không biết bao nhiêu khách uống cà phê tại quán này. Quán như một hang động với nhiều ngõ ngách, nhiều góc khuất, nhiều thiết kế kỳ dị, đầy tính ngẫu hứng. Một chân dù bằng sắt, một cái  sọt tre… cũng thành một phần kiến trúc của quán khi được dán dính lên trần nhà, lên tường. Đã có lúc vào Trăm Mái uống cà phê, lúc tính tiền xong nhiều người mới phát hiện mình quên mất đường ra cửa…

Kế bên dinh 3, biệt điện Bảo Đại có một đồi thông hoang vắng. Trên đỉnh đồi thông ấy chơ vơ một ngôi nhà, một quán cà phê “độc” và lạ của Đà Lạt - cà phê Cung tơ chiều. Độc và lạ ở chỗ quán chỉ mở cửa vào buổi tối, khách muốn lên quán phải lần mò theo ánh sáng điện thoại di động, len lỏi ngược dốc lên đỉnh đồi. Đến nơi, chỉ thấy một ngôi nhà âm u, leo lét ánh nến. Đôi khi, vài khách nữ lần đầu lên đến được đây lại vội vã quay về vì… sợ ma. Can đảm bước vào trong thì lại gặp phục vụ quán mặt lạnh như băng, đôi khi ngồi rất lâu vẫn không có nước uống.

Một góc Cung tơ chiều.
Một góc Cung tơ chiều.


Tiếng hát của bà chủ quán là điểm đặc biệt nhất khi du khách đến với Cung tơ chiều
Tiếng hát của bà chủ quán là điểm đặc biệt nhất khi du khách đến với Cung tơ chiều

Khách vào quán nếu nói chuyện to hơn tiếng nhạc hoặc không tắt chuông điện thoại có thể bị chủ quán đuổi thẳng. Vậy điều gì đã khiến Cung tơ chiều vẫn được nhiều người tìm đến? Đó là khi bà chủ quán tến Giang ôm lấy cây guitar và bắt đầu cất tiếng hát. Mộc mạc, tự nhiên, không cần micro, không cần hệ thống tăng âm, tiếng hát và tiếng đàn cứ quyện vào nhau. Giọng của chị khàn khàn, đầy chất lửa và đặc biệt là ma quái, ma quái như quán và như vẻ ngoài của chị với khuôn mặt lúc nào cũng như khuất sau mái tóc, khuôn mặt như ẩn vào bóng tối, thấp thoáng sau đốm thuốc lập lòe.

Thử uống ở Cung tơ chiều vài lần, từng hát vài bài với bà chủ quán nhưng có người vẫn không cách nào nhớ rõ được khuôn mặt ấy. Suốt buổi tối, chị cứ hát, từ Trịnh Công Sơn, rồi Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương… Đôi khi dừng lại nói chuyện vài câu, mời vài người khách cùng hát…

Vì vậy, có người, lần nào cũng vậy, rời Cung tơ chiều, đầu du khách cứ lẩn quẩn những ca từ trong một bài hát cho rằng hay nhất: “…Làm sao giết được người trong mộng? Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng…”. Bài hát này nếu nghe ở nơi khác, chắc chắn không thích, nếu không muốn nói là ghét. Nhưng ở Cung tơ chiều, nghe chị hát, lại nổi da gà theo đúng nghĩa đen. Không biết khí hậu Đà Lạt, sương mờ của đồi thông hay những ẩn ức trong cuộc sống của chị được truyền vào câu hát đã tạo nên cảm giác ấy cho du khách …?

Cà phê Đà Lạt còn rất nhiều cái tên đáng để nhắc đến như Eros, Mộc, Cung Đàn Xưa, Rainy, Tỉ Muội, Trung Nguyên… mà trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết không thể kể hết. Người ta nói Đà Lạt đang ngày trở nên nhàm chán khi khí hậu nóng hơn, thông ít đi và sương mù nhạt hơn…thế nhưng với nhiều người Đà Lạt vẫn rất đẹp. Đẹp vì khi đặt chân đến thành phố này, vẫn còn những buổi tối lang thang cà phê. Đôi khi, cà phê chỉ là cái cớ để có dịp tận hưởng chút se lạnh của cao nguyên, ngắm nhìn vẻ lãng mạn của phố núi, để thấy thời gian trôi chậm lại, thấy lòng mình bớt chai sạn hơn…

Nguồn: Sưu tầm

Tìm kiếm khách sạn
Tiêu chuẩn (sao)
Ngày bắt đầu: Ngày kết thúc:
Giới thiệu bởi Trung tâm tư vấn DalatCity
Nhà nghỉ Loại khác
Giá:
Từ: Đến:
Tên Đường:   Tên Khách Sạn:
Khu Vực:  
Những thuận lợi