Bà Ka Rô, một
phụ nữ năm nay 55 tuổi chẳng còn nhớ tự bao giờ xuất hiện và tồn tại nghề dệt
thổ cẩm của làng mình. Bà chỉ biết, từ lúc 12 tuổi đã được mẹ truyền cho bà
cái nghề này. Cứ thế bà lớn lên gắn bó với làng, với nghề truyền thống như “duyên
nợ” vậy. Rồi đến lượt, bà dạy lại cho con cháu. Đã ba thế hệ phụ nữ trong gia
đình bà Ka Rô được bà truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, những người phụ
nữ lớn tuổi như bà Ka Rô ở thôn Buôn Nơr C vẫn là lực lượng “chủ lực” thủy chung
với cái nghề…
Những
người lớn tuổi trong làng cho biết, nghề dệt thổ cẩm của buôn có từ rất lâu
đời. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số của vùng này chuyên sống dựa vào các
sản phẩm của rừng và làm nương rẫy. Dường như có sự phân công: người đàn ông
săn bắn, hái lượm và làm nương rẫy và nghề chính của người phụ nữ là dệt thổ
cẩm. Mục đích của công việc dệt thổ cẩm lúc đó là để cho cả gia đình mặc và
trang trí (tự cung tự cấp). Ngoài giải quyết nhu cầu mặc ấm, càng về sau xuất
hiện nhu cầu mặc đẹp nên đòi hỏi phải có kỹ thuật điêu luyện hơn. Bên cạnh những
sản phẩm bình thường bắt đầu xuất hiện những sản phẩm có màu sắc sặc sỡ và đẹp
hơn. Tuy nhiên, để hoàn thành một sản phẩm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian và
công sức, đặc biệt đối với những sản phẩm có màu sắc, đẹp rất hiếm, “ưu tiên”
dành cho phái nữ mặc trong các dịp lễ, tết. Điều độc đáo là nguyện liệu để làm
nên các sản phẩm thổ cẩm (trước đây) được lấy từ vỏ cây rừng, qua quá trình
lao động cần mẫn tự chế tạo, còn màu sắc cũng được đồng bào chiết ra từ một
loại cây khác dùng để nhuộm thổ cẩm. Cứ vậy, bí quyết và kỹ năng của nghề dệt
thổ cẩm Buôn Nơr C, dưới chân núi Lang Bian được tích lũy, tồn tại và truyền
từ đời này qua đời khác…
Từ nhu cầu thực tế, ngoài việc sản xuất
để tự tiêu thụ hoặc trao đổi trong cộng đồng, bà con cũng đã biết đưa sản phẩm
của mình vươn ra thị trường, nhất là từ khi có du khách tỏ ra thích thú và mua
thổ cẩm mà những năm gần đây, du khách tham quan khu du lịch Lang Bian ngày
càng đông. Nhờ đó, nghề thổ cẩm của đồng bào Buôn NơrC có cơ hội phát triển
khá mạnh, tạo ra nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu
cầu thẩm mỹ của khách, nguyên liệu để làm các sản phẩm thổ cẩm không còn lấy
từ rừng vừa khó khăn, vừa không đẹp và bị nghiêm cấm mà bà con đã chuyển sang
mua ở các cửa hàng bán sẵn. Do đó, số lượng các sản phẩm được làm ra dồi dào
và ngày càng đẹp, duyên dáng hơn. Các bà, chị cho biết sản phẩm được khách hàng
ưa chuộng thường các loại như: ùi, túi xách tay, bano, khăn choàng làm thủ công.
Người dệt thổ cẩm cũng ngày càng mất nhiều thời gian và công phu cho mỗi loại
sản phẩm. Ví như, dệt xong một cái ùi (váy choàng) mất hơn tuần lễ, bán được
từ 150 - 200 ngàn đồng; một cái bando, hay túi xách mất một ngày, giá bán khoảng
15-20 ngàn đồng …
Vốn bao đời quen lam lũ, chịu thương
chịu khó nên bà con ý thức “lấy công làm lời” và tự nguyện gắn bó với cái nghề
truyền thống tổ tiên mình, chứ thực ra không dễ kiếm tiền giữa thời buổi này.
Tuy vậy, cũng có một thời sản phẩm của đồng bào ở đây được bán rất…chạy. Bà
con còn đem sản phẩm của mình đi “tiếp thị” tại các quầy, sạp hàng ở Khu Hòa
Bình, chợ Đà Lạt, các điểm du lịch tại địa phương…Nhờ chắt chiu tích lũy được,
đã có nhiều gia đình khá giả lên trong vùng. Điều đáng quý là một làng nghề
truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số của mảnh đất nam Tây Nguyên hùng
vĩ này được chính bà con gìn giữ và bảo tồn.
Hiện nay, Buôn Nơr C có tất cả 54 hộ
(100% là người Cill) sinh sống. Phụ nữ của 54 hộ gia đình đều làm nghề dệt thổ
cẩm. Thật đáng mừng, bên cạnh những bà, những chị tháng ngày chăm chỉ với nghề
này, chúng tôi thấy có rất nhiều nữ thanh thiếu nhi cũng say sưa chẳng kém.
Ngoài thời gian đến lớp học cái chữ, các bạn nhỏ trong làng đều được mẹ truyền
nghề rất tỷ mỷ. Dường như đây là cách giáo dục về đức hạnh cho các thiếu nữ
một cách bắt buộc của các gia đình ở Buôn Nơr C.